Theo quy định mới nhất tại Thông tư 40 của Bộ Tài chính hướng dẫn tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, các sàn thương mại điện tử phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Sàn giao dịch thương mại điện tử căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển - COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Thông tư 40 có hiệu lực từ 1/8, nhưng việc khấu trừ thuế tại các sàn thương mại điện tử, theo cơ quan thuế, có thể giãn, theo lộ trình, để các sàn thương mại điện tử có thêm thời gian chuẩn bị.
Việc quản lý thuế với cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là rất khó |
Theo quy định, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1,5% tính trên doanh thu, gồm 1% thuế suất GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Nếu chưa khai thuế thay, nộp thuế thay được cho cá nhân, sàn thương mại điện tử phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn cho cơ quan thuế.
Điều này ngay lập tức đã khiến các sàn thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử phản ứng.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, Thông tư được ban hành ngày 1/6 thì 15 ngày sau khi ban hành Tổng cục Thuế mới phối hợp cùng Vecom tổ chức cuộc họp đầu tiên về việc triển khai Thông tư.
Thông tư 40 được ban hành có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12/3, nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này. Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử, cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
Các sàn thương mại điện tử cho rằng không thể có đủ nhân lực, vật lực để có thể kiểm soát được doanh thu của các cá nhân kinh doanh trên sàn và họ không thể làm thay việc của cơ quan thuế được.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có hàng bán trên nhiều sàn thương mại điện tử, và bao gồm bán cả offline, nên việc thống kê doanh thu, chi phí như thế nào với các doanh nghiệp ấy cũng là điều rất khó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bán hàng lo ngại phải nộp thuế nhiều lần.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) bày tỏ quan điểm cá nhân: Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định các tổ chức cá nhân có trách nhiệm tự kê khai, khấu trừ, nộp thuế. Luật Quản lý thuế cũng quy định cá nhân kinh doanh phải tự kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Khi hướng dẫn như vậy không biết Thông tư 40 lấy căn cứ pháp lý từ đâu?. Các sàn chắc chắn phải đau đầu với việc thực thi quy định này, đơn giản như hiện cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm thì được miễn thuế, làm sao họ biết doanh thu, thu nhập người bán trên sàn thực sự như thế nào?. Thông tư có hiệu lực từ 1/8 năm nay, không biết thời gian gấp gáp như thế cách thức nào để thực hiện?. Chỉ biết chắc chắn được rằng chi phí thực hiện quy định này quá lớn với doanh nghiệp.
“Nhưng điều đáng lo nhất là các sàn sợ mất khách hàng, để kê khai và khấu trừ thuế thì khả năng các sàn buộc phải khấu trừ tiền thuế của người kinh doanh trước khi thực hiện các giao dịch. Người bán tội gì mang hàng lên bán trên sàn điện tử cho đắt đỏ và phức tạp, họ sẽ chuyển sang facebook, các mạng xã hội khác hay bê hàng trở về hình thức truyền thống cho tiện. Bộ Tài chính chắc cũng khó bắt Ban quản lý chợ truyền thống phải đi quyết toán, nộp thuế thay cho các tiểu thương như trên chợ điện tử”, ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ.
Xét ở khía cạnh hành thu, việc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề ra các biện pháp để chống thất thu, né thuế của các cơ sở, cá nhân kinh doanh là điều cần thiết. Bởi lâu nay, việc thu thuế đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh trên môi trường điện tử là vấn đề làm “đau đầu” cơ quan thuế. Những biện pháp thu “truyền thống” vẫn là theo dõi các giao dịch có giá trị lớn, thông qua việc cung cấp thông tin giữa các ngân hàng với cơ quan thuế, rồi yêu cầu người kinh doanh kê khai, nộp thuế theo quy định. Việc này đã bước đầu có hiệu quả, nhưng không thể bao quát hết.
Việc trốn thuế, né thuế khi kinh doanh cũng khiến tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng. Bởi nhiều mặt hàng trên “chợ điện tử” có giá rẻ hơn các mặt hàng khác khi không phải đóng thuế, khiến cho những cơ sở bán lẻ có đóng thuế đầy đủ phải chịu những thiệt thòi.
Song việc đưa ra các quy định chống thất thu thuế cần phải có những cơ sở pháp lý rõ ràng, có sự trao đổi, góp ý của những đối tượng tác động để tính toán những biện pháp phù hợp.
Phóng viên VietNamnet cũng đã gửi những câu hỏi về chủ trương này đến Tổng cục Thuế, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Hà Duy
Cuộc đua lợi thế sân nhà và sức mạnh tiền đô
Đầu mùa vải, đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart cùng các nhân viên Bưu điện tỉnh Hải Dương đã đến từng hộ gia đình để tư vấn, hướng dẫn nông dân cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.