Đó không chỉ là tâm sự của chị Cúc - chuyên viên quan hệ khách hàng của một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội mà còn của nhiều nhân viên ngân hàng khác trong thời gian qua, khi khách hàng của họ - rất nhiều người rơi vào khó khăn, không đủ khả năng trả nợ.
Chị Cúc kể lại, mỗi lần khách hàng sắp đến hạn thanh toán, chị vẫn quen nhắn tin nhắc nhở khách đừng quên nộp tiền trả nợ hàng tháng. Có người thắc mắc "đang dịch cũng thu tiền hả em?", có người thì nói "đang dịch không ra đường đi nộp tiền được". Và rất nhiều khách thì xin ngân hàng giãn nợ vì mất thu nhập không có tiền để trả.
Việc tư vấn cho khách hàng cơ cấu nợ thời gian qua cũng rất vất vả. Nhiều khách hàng xin cơ cấu nợ nhưng khi tư vấn xong, khách hàng từ chối vì "vậy còn mệt hơn". Chẳng hạn, một khách hàng được cho phép cơ cấu nợ 4 tháng nhưng cũng từ chối vì sau 4 tháng được hoãn trả tiền gốc và lãi, số tiền trả nợ của 4 tháng này sẽ cộng dồn và chia đều, phải trả trong tối đa 8 tháng tiếp theo. Thay vào đó, khách hàng đòi lùi hợp đồng vay thêm nửa năm, từ 36 tháng lên 42 tháng.
Có khách hàng vay tiền xây nhà, chỉ vài ngày nữa phải thanh toán thì xin được cơ cấu vì vừa phải nghỉ việc do dịch bệnh, không có thu nhập để đóng tiền. Chị đã tư vấn khách cố gắng mượn người thân bạn bè để tạm thanh toán trước tháng này, và làm đơn xin giãn nợ để ngân hàng xem xét, ngân hàng cũng cần thời gian để thẩm định và phê duyệt đề nghị của khách hàng. Thế nhưng khách hàng muốn được cơ cấu ngay lập tức, bởi một tháng họ cũng không có tiền để trả.
Những khách hàng đã được cơ cấu nợ cũng chưa thể yên tâm mà luôn nơm nớp lo sợ hết hạn cơ cấu nhưng thu nhập cũng chưa phục hồi đủ để trả nợ trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay.
Bởi vậy, với với những khách hàng khó có khả năng phục hồi, nhân viên ngân hàng có thể phải động viên họ nên cắt lỗ sớm để giảm gánh nặng về lãi vì dù giãn hay giảm lãi suất thì nợ vẫn phải trả.
Bên cạnh những khách hàng thực sự khó khăn cũng không thiếu những vị khách bất hợp tác, vin vào lý do dịch bệnh cố tình chây ì trả nợ, trốn nợ, xin giảm lãi suất, thậm chí chửi bới nhân viên ngân hàng khi không được đáp ứng. Nhiều khách hàng nghe thông tin ngân hàng báo lợi nhuận rồi quay sang trách móc ngân hàng không chịu chia sẻ với người vay, đòi giảm lãi suất tới 3-4%, có lúc còn đòi miễn trả lãi.
Không chỉ áp lực KPI, sau khi cơ cấu nợ, nhân viên ngân hàng cũng phải tiếp tục theo dõi sát sao các khoản nợ này. Dịch bệnh kéo dài, khách lo không trả được nợ mà nhân viên ngân hàng cũng lo bị giảm thành tích lại còn phải chịu trách nhiệm khi nợ biến thành nợ xấu.
Hiện NHNN đang dự thảo sửa đổi Thông tư 03 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, đề xuất cho ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 (quy định hiện nay chỉ đến 10/6/2020); số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (quy định hiện hành đến 31/12/2021).
Không chỉ doanh nghiệp, người dân trông ngóng, mà nhân viên ngân hàng cũng mong Thông tư sửa đổi sớm được ban hành.
(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)
Ngành tài chính đối mặt nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19
Các đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là từ nửa đầu năm 2021 đến nay đang tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động của ngành tài chính.