Tăng trưởng mạnh
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 vừa được công bố cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ở các quốc gia lân cận. Tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 7% trong năm 2022.
Các chuyên gia ADB nhận định rằng sự hồi phục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng thương mại.
Đà tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 lên mức 6-6,3%.
Trong khi đó, theo một bảng xếp hạng mới của Bloomberg, hãng tin này xếp Việt Nam tăng 4 bậc trong danh sách các nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu Covid-19 nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả.
Theo Bloomberg, tiêm vaccine vẫn chưa đủ để đối phó với đại dịch Covid-19, mà điều quan trọng là cần áp dụng các biện pháp phòng dịch đúng hướng, cũng như thực thi nghiêm ngặt các biện pháp. Dự báo, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3%.
Việt Nam tăng trưởng vững mạnh, thuộc top tốt nhất hậu Covid-19. |
Trước đó, Fitch Ratings dự báo GDP năm 2021 vẫn có thể tăng trưởng 7,5%, bất chấp dịch bùng phát đợt thứ 3. Đây là tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức 2,91% của GDP năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế Oxford Economics cũng cho rằng, việc đạt thành tích tốt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã giúp đà phục hồi về nhu cầu nội địa tại Việt Nam không bị gián đoạn.
Theo Oxford Economics, thương mại và hoạt động sản xuất đang là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trong khu vực ASEAN-6. Công ty tư vấn này lạc quan về triển vọng tăng trưởng đối với Việt Nam và xem Việt Nam là quốc gia này có thể hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại toàn cầu trong quá trình phục hồi.
Đại diện Oxford Economics cho rằng, triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam nhờ đà phục hồi về nhu cầu nội địa không bị gián đoạn.
Nguy cơ tiềm ẩn
Trước đó, tờ báo Anh Strifeblog đăng bài nhận định cho rằng, Việt Nam đang vươn lên với tư cách một cường quốc tầm trung, đặc biệt trong lĩnh vực chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển công nghệ 5G.
Tờ báo cũng ấn tượng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết như WTO, CPTPP và gần đây là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Hồi cuối tháng 3, Moody’s tăng triển vọng tín nhiệm hai bậc với Việt Nam lên “tích cực” cũng là điều chưa có tiền lệ kể từ đại dịch Covid-19.
Trên thực tế, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19, với hiệu quả được xem là thuộc top cao nhất thế giới, nhờ các biện pháp truy tìm nguồn bệnh nhanh và quy mô lớn cũng như khả năng huy động toàn xã hội chung sức chống dịch…
Nông nghiệp mang đến sự ổn định cho nền kinh tế. |
Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất lớn, nhất là khi dịch bùng nổ khó kiểm soát tại Ấn Độ và lây lan ở nhiều nước phía Tây Nam như Lào, Campuchia…
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew cho rằng, năm nay và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus corona mới và sự chậm trễ trong chương trình vaccine của Chính phủ Việt Nam.
Trong một đánh giá gần đây, Forbes cho rằng, sự tăng trưởng không tưởng của thị trường bất động sản Việt Nam chứng tỏ khả năng phục hồi trong thời kỳ đại dịch. Đặc biệt, điểm sáng của thị trường bất động sản địa phương là khu công nghiệp, vốn đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ sản xuất.
Theo Forbes, trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn như Nike, Adidas và Samsung đã chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và đầu tư vào Việt Nam, do chi phí sản xuất của Trung Quốc ngày càng tăng và chiến tranh thương mại với Mỹ.
Gần đây, các nhà sản xuất cho các ông lớn Mỹ như Apple cũng đã vào Việt Nam với những dự án lên tới cả tỷ USD. Đây là những tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt.
Tuy nhiên, đầu tư tư nhân trong nước phục hồi nhanh chóng, tiêu dùng nội địa tăng mạnh và gia dầu thế giới đi lên… có thể đẩy lạm phát đi lên. Bên cạnh đó, nguy cơ bong bóng tài sản cũng lớn dần nếu như tín dụng không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.
Dự kiến lạm phát trong năm nay sẽ lên 3,8% trong năm nay và 4% trong năm 2022.
Theo VERP, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn.
Theo Fitch, Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Trong phần khuyến nghị, ADB cho rằng Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch đối với nghèo đói và thu nhập. Báo cáo kêu gọi chính phủ áp dụng một chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ cho sinh kế của người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các doanh nghiệp mới.
Việt Nam cũng được khuyến nghị phải thận trọng với các yếu tố rủi ro như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng còn chậm, hiệu quả quản lý thấp. Bên cạnh đó là là rủi ro của hệ thống ngân hàng. Hệ thống này tuy được củng cố nhưng còn dễ tổn thương. Việt Nam cũng phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và sự thiếu tự chủ về công nghệ cũng như nguyên liệu trong khu vực sản xuất kinh doanh.
M. Hà