Hơn 4 tháng đóng cửa vì dịch bệnh, mỗi ngày, Đăng Hảo - chủ một quán Internet ở quận Tân Bình, TP.HCM - lại tranh thủ lấy đồ nghề ra vệ sinh, bảo dưỡng hơn 40 chiếc máy tính. Nhờ kinh doanh tại gia, anh Hảo không mất tiền mặt bằng, chi phí duy trì của quán cũng chỉ dao động trên dưới 300.000 đồng/tháng, chủ yếu là tiền điện.
Tuy nhiên, việc để dàn máy tính trị giá trên 600 trăm triệu đồng nằm phủ bụi đang trở thành nỗi lo lớn đối với một người làm kinh doanh. Để tạo thêm thu nhập, anh đang tính tới phương án chuyển đổi mô hình quán Internet sang đào tiền mã hóa.
“Tôi có thể tận dụng thiết bị có sẵn để đào coin, dù vậy vẫn cần đầu tư thêm một số phụ kiện lắp đặt. Đây chỉ là kế hoạch tạm thời, tranh thủ kiếm tiền trong thời gian nghỉ dịch. Sau khi kết thúc giãn cách tôi sẽ trở lại kinh doanh như bình thường”, anh Hảo chia sẻ.
Kiếm gần 1.900 USD/tháng
Tại Việt Nam, mô hình khai thác tiền mã hóa phổ biến nhất hiện nay là sử dụng card màn hình (VGA) để giải thuật toán, điển hình như thuật toán Ethas của đồng Ethereum. Sau khi giải mã thành công, hệ thống sẽ trả thưởng cho người khai thác một lượng coin nhất định.
Nếu có ngân sách lớn, thợ đào có thể tạm gánh vác các chi phí ban đầu như giá điện, tích trữ Ethereum trong thời gian dài và bán ra khi coin được giá.
“Tôi tính sẽ sử dụng 30 VGA để đào Ethereum. Số VGA còn lại dành dự phòng, thay thế nếu có hỏng hóc. Việc có sẵn VGA là một lợi thế lớn vì giá loại thiết bị này tăng rất mạnh kể từ đầu năm nay”, anh Hảo cho biết.
Mô hình chuyển quán net thành xưởng đào coin từng nổi lên ở Việt Nam đầu năm 2021. Ảnh: Facebook. |
Dự kiến, anh Hảo cần bỏ thêm gần 30 triệu đồng để trang bị 4 bộ “lòng mề” (3 bộ dàn 8 chân cắm và 1 bộ dàn 6 chân cắm). Lòng mề là khái niệm phổ biến trong cộng đồng đào coin, dùng để chỉ hệ thống dàn khai thác, thường bao gồm nguồn điện, vỏ máy, bo mạch, cáp nối chuyên dụng…
Với 4 dàn đào, bên tư vấn cho biết anh Hảo có thể kiếm được trên 1.900 USD/tháng, chưa trừ chi phí điện năng hoạt động.
“Số tiền này đủ để tôi hòa vốn trong tháng đầu tiên. Nếu mua lòng mề, tôi phải xác định gắn bó với hoạt động đào tiền mã hóa lâu dài mới có hiệu quả”, anh đắn đo.
Thay vì đầu tư lòng mề, người dùng vẫn có thể đào coin trực tiếp trên máy tính. Tuy nhiên, việc đào tiền mã hóa trên thiết bị đơn lẻ, không đồng bộ sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Phương án này thường dành cho một số chủ kinh doanh ưu tiên sự tiết kiệm, dự định khai thác ngắn hạn.
Trâu đào coin "sốt" trở lại
Hoàng Tùng - đại diện một nhà phân phối VGA, thiết bị khai thác tiền mã hóa có trên toàn quốc - cho biết lượng khách hàng đặt máy đào coin trong mùa dịch đang tăng đột biến.
“Tình trạng giãn cách xã hội khiến công việc của mọi người bị ảnh hưởng. Khách hỏi nhiều lắm nhưng đa phần là người mới, muốn kiếm thêm kênh đầu tư thụ động”, vị này chia sẻ.
Đa số khách hàng tìm đến nhà phân phối này không có kinh nghiệm về tiền mã hóa. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với Zing, anh cho biết hầu hết khách hàng có ngân sách dao động khoảng 100-200 triệu đồng. Cỡ 100 triệu đồng, khách hàng có thể đầu tư một dàn 6 chân cắm VGA 1660s cho doanh thu trên 400 USD/tháng, chưa trừ chi phí. Nếu cố thêm 5 triệu, họ có thể sắm được dàn đào 7 chân.
Nhiều thợ đào lâu năm cũng tận dụng thời gian nghỉ dịch để cải tiến, bổ sung thêm VGA. Theo đại diện nhà phân phối này, hầu hết khách hàng hiện nay tìm mua các loại VGA chuyên dụng để đào coin như model 1660, 1660s, 2060 hoặc 6600xt.
“Doanh số quý III của chúng tôi tăng 40% so với quý trước đó. Giá VGA cũng tăng cao do nhu cầu quá lớn, hàng khan hiếm, thậm chí sắp tới giá sẽ còn tăng nữa”, anh Tùng nhận định.
Chần chừ vì rủi ro
Đông người tìm hiểu là thế, việc người dùng có sẵn sàng bỏ tiền vào một kênh đầu tư mới lạ, yêu cầu kiến thức nhất định về kĩ thuật và tiền mã hóa lại là câu chuyện khác.
Đối với trường hợp của chủ quán net Đăng Hảo, anh lo rằng số VGA sau khi dừng đào coin, lắp đặt trở lại vào máy tính có thể gặp một số trục trặc về kĩ thuật.
Ngoài ra, trước thông tin Ethereum chuẩn bị thay đổi cơ chế đào, giảm sự phụ thuộc vào GPU (chip xử lý của VGA) và sản lượng khai thác, anh Hảo đang băn khoăn liệu đây có phải thời điểm thích hợp để rót tiền vào kênh đầu tư này.
“Kiến thức có thể học, lợi nhuận cũng là con số tương đối. Cái tôi lo là những rủi ro mang tính lâu dài. Nếu VGA hỏng, chi phí mua mới hoặc thay thế sẽ rất tốn kém”, anh bộc bạch.
Với Thanh Tuấn - một nhiếp ảnh gia trẻ ở Đà Lạt - anh sẽ vẫn dành thời gian tìm hiểu về mô hình đào tiền mã hóa cũng như săn mua VGA giá tốt. Chia sẻ với phóng viên, Tuấn cho biết anh dự định đầu tư khoảng 100 triệu đồng để lắp dàn đào.
“Tôi tính toán có thể hoàn vốn sau 7-9 tháng nếu doanh thu vượt 500 USD/tháng. Do có sẵn hệ thống năng lượng mặt trời nên chi phí điện đối với tôi chưa phải vấn đề. Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng tiền mã hóa xôn xao về việc Ethereum thay đổi cơ chế đào, tôi tin rằng chuyện đó khó xảy ra trong năm nay”, Tuấn cho biết.
Theo anh, trong trường hợp Ethereum công bố cơ chế khai thác mới, nhà đầu tư vẫn có thể sử dụng máy đào cho những đồng coin khác. Ngay cả khi thị trường sập, người dùng vẫn có thể thanh lý VGA và thu lại một phần vốn.
(Theo Zing)
Trong đêm bitcoin mất 10.000 USD, cú sụt gây choáng váng
Sau khi chạm ngưỡng 53.000 USD, giá Bitcoin lại lao dốc, có thời điểm về mốc 42.000 USD. Vào sáng nay (8/9), giá Bitcoin ở mốc 46.000 USD. Nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng lao đầu giảm giá. Thị trường tiền điện tử rực sắc đỏ.