Trong khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thu nhập cá nhân trong lĩnh vực này giảm mạnh thì nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, viết phần mềm cho các nền tảng công nghệ, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới vẫn ăn nên làm ra.
Nhiều cá nhân nộp thuế hàng tỷ đồng nhờ tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin… với các trang mạng xã hội nước ngoài. Ảnh minh hoạ
Riêng số thu tại Hà Nội ghi nhận cao nhất. Chỉ tính riêng trong quý 3 năm nay, số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin…) tại các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube, Apple... tăng 59 tỷ đồng, nâng tổng số thu này tại Hà Nội lên 226 tỷ đồng kể từ đầu năm tới nay.
Năm ngoái, trường hợp 2 cá nhân tại Hà Nội có thu nhập 590 tỷ, nộp thuế 41,5 tỷ từ viết phần mềm cho các mạng xã hội đã thu hút sự chú ý.
Trường hợp thứ nhất là một nữ giới, 28 tuổi, có hộ khẩu tại quận Cầu Giấy. Người này đã sáng tạo ra nhiều phần mềm được tải từ ứng dụng Google Play và App Store. Tổng thu nhập năm 2020 của cá nhân này lên tới 330 tỷ đồng và đã nộp thuế 23,4 tỷ đồng.
Một cá nhân khác cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy cũng viết ra nhiều phần mềm được các ứng dụng trên thế giới sử dụng. Tổng thu nhập của cá nhân này năm 2020 là 260 tỷ đồng. Người này đã nộp thuế 18,1 tỷ đồng.
Số thuế của hai cá nhân trên đã giúp số thu thuế từ thương mại điện tử tại Hà Nội năm 2020 đạt 123 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với 2019.
Như vậy, bất chấp sự lây lan của dịch Covid-19, thu thuế từ hoạt động MTĐT của Hà Nội năm nay tiếp tục cao hơn 2020.
Sau Hà Nội, một số địa phương khác cũng có số thu từ hoạt động TMĐT lớn như: TP. Hồ Chí Minh trên 122 tỷ đồng, Đà Nẵng 30 tỷ đồng... tính đến hết tháng 6 vừa qua.
Tính chung cả nước trong 9 tháng đầu năm năm 2021, số thu thuế từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới đạt trên 1.017 tỷ đồng, tương đương gần 89% năm 2020.
Bên cạnh số thu từ cá nhân, số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, Youtube, Facebook... cũng tăng mạnh.
Từ đầu năm nay đến hết quý 3, số thu này là trên 1.017 tỷ đồng, bằng gần 89% năm 2020. Luỹ kế từ năm 2018 đến hết tháng 9/2021, số thu từ các đơn vị này là khoảng gần 4.100 tỷ đồng.
Theo Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính phê duyệt, lộ trình quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT được chia làm 2 giai đoạn.
Cụ thể, từ nay đến hết 2023, Bộ Tài chính sẽ tăng quản lý thông qua tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; Thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; Hiện đại hóa công tác quản lý thuế; Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; Phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin; Xúc tiến hợp tác quốc tế trong việc đàm phán hiệp định song phương, đa phương về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…
Giai đoạn tiếp theo đến năm 2025, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa đổi các luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý TMĐT và xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.
(Theo Báo Giao Thông)
Facebook, Google, YouTube sẽ bị quản lý thuế ở Việt Nam như thế nào?
Tổng cục Thuế là cơ quan Thuế quản lý thuế trực tiếp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, có trách nhiệm cấp mã số thuế cho nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định...