CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) vừa chính thức trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán.
Sáng 3/11, cổ phiếu VEF tăng thêm 3,8% lên 262.000 đồng sau khi tăng gần 7,2% trong phiên liền trước lên 258.900 đồng và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất, vượt qua VinaCafé Biên Hòa (VCF) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
VEF tăng gấp đôi trong vòng hơn một tháng qua, từ mức 130.000 đồng hồi đầu tháng 10 nhờ kết quả kinh doanh quý III ấn tượng, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Doanh thu tài chính giúp lợi nhuận tăng 60% trong quý vừa qua. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Mặc dù doanh thu ít ỏi và lợi nhuận vẫn còn khiêm tốn nhưng VEF được biết đến là một doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với những dự án rất lớn và quỹ đất vàng. Đó là dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia nằm trong vành đai 1; Dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Hà Nội), Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long…
Diễn biến giá cổ phiếu VEF tăng mạnh trong thời gian gần đây trái ngược hoàn toàn với cách đây vài năm khi cổ phiếu này bắt đầu bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Cổ phiếu VEF khi đó bị “hắt hiu”. Công ty TNHH MTV Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (Triển lãm Giảng Võ, VEFAC) có trụ sở tại 148 Giảng Võ – Hà Nội khi đó được xây dựng phương án cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, vốn điều lệ của công ty sau cổ phần hóa sẽ tăng từ 166,6 tỷ đồng lên 1.666 tỷ đồng, trong đó nhà nước sở hữu 10% cổ phần, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 80% cổ phần, còn lại bán đấu giá ra thị trường.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. |
Phiên đấu giá chào bán cổ phần ra công chúng được tổ chức vào ngày 20/03/2015 không thành công như mong đợi khi số lượng đặt mua chỉ có 620.500 cổ phần tương đương 3,8% lượng đấu giá. Giá đấu thành công bình quân cũng chỉ cao hơn mệnh giá một chút, đạt 10.058 đồng/cp.
Cổ đông chiến lược Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần còn lại, tương đương 9,42%. Sau phiên đấu giá, Vingroup nắm giữ 89,42% của VEFAC, bao gồm 80% dành cho nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm và 9,42% cổ phần được tự do chuyển nhượng.
VEF tăng mạnh trong năm 2016 sau đó lên trên ngưỡng 50.000 đồng/cp và bứt phá thêm một lần nữa lên trên ngưỡng 100.000 đồng hồi đầu 2019 trước khi tăng dữ dội trong tháng vừa qua và trở thành quán quân về giá trên TTCK Việt Nam.
VEF là một doanh nghiệp nữa của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên quan tới bất động sản. Vinhomes - doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup là doanh nghiệp giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trên TTCK.
Trước khi công bố kết quả kinh doanh quý III ấn tượng, ông lớn bất động sản số 1 Việt Nam Vinhomes ghi nhận giá cổ phiếu giảm mạnh và vốn hóa bốc hơi hàng tỷ USD trong một thời gian ngắn. Giới đầu tư lo ngại về hoạt động bán hàng cũng như áp lực bán ra cổ phiếu VHM của Vingroup…
Chỉ số VN-Index lên đỉnh lịch sử. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 3/11
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường. Chỉ số VN-Index tăng vọt lên đỉnh cao lịch sử mới, quanh ngưỡng 1.463 điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo.
Theo SHS, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên.
Còn theo MBS, thị trường đã nhanh chóng vượt qua đợt rung lắc . Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE trong 2 phiên vừa qua đạt gần 60.000 tỷ đồng là con số “khủng”, các nhịp rung lắc trong phiên đều diễn ra ngắn và nhanh chóng quay lại xu hướng tăng cho thấy thị trường có nhiều dấu hiệu khỏe. Tuy vậy, dòng tiền vẫn chọn nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là chủ đạo, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản đóng vai trò dẫn dắt.
Chốt phiên chiều 2/11, chỉ số VN-Index tăng 13,49 điểm lên 1.452,46 điểm. HNX-Index tăng 8,57 điểm lên 424,11 điểm. Upcom-Index tăng 0,98 điểm lên 106,93 điểm. Thanh khoản đạt 35,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 28,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Lãi gấp gần 4 lần, đại gia Lê Phước Vũ kiếm tiền nhiều chưa từng có
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục ghi kỷ lục mới và xác lập mốc tỷ USD một cách vững chắc, trong khi đó đại gia Lê Phước Vũ cũng lên một ngưỡng cao mới trong sự nghiệp kinh doanh của mình.