Lãi suất huy động bất ngờ tăng tại một số ngân hàng
Sau nhiều tháng duy trì ở mức thấp, vào cuối tháng 5, lãi suất huy động lại bất ngờ tăng nhẹ ở nhiều ngân hàng thương mại trong nước.
Đơn cử, theo biểu lãi suất huy động mới nhất được Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng từ ngày 27/5, lãi suất huy động tăng từ 0,1-0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn so với trước đó. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng tăng từ 3,35-3,65%/năm, lên mức từ 3,4-3,8%/năm; các kỳ hạn 6-11 tháng ở mức 5,2-5,5%/năm, tăng 0,2 điểm %. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động tại quầy tăng 0,1 điểm %, lên 5,7%/năm, còn khi gửi online là 6,15%/năm, tăng 0,35 điểm %. Các kỳ hạn dài 24-36 tháng, lãi suất tiết kiệm đều tăng 0,3 điểm % so với tháng trước.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới từ 10/5, với mức tăng từ 0,1-0,2 %/năm với nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên mức 5%/năm… Các kỳ hạn này đều có lãi suất huy động tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Còn với một số kỳ hạn dài, lãi suất huy động tăng thêm 0,1 điểm %. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng hiện có mức lãi suất huy động lần lượt là 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm. Với hình thức gửi online, lãi suất huy động tại Sacombank cũng tăng 0,1-0,2%/năm. Đặc biệt, lãi suất huy động với hình thức gửi tiền online ở kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,5%/năm lên 6,7%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,2%/năm so với trước đó. Lãi suất huy động 2 tháng tăng lên 2,4%/năm, 3 tháng lên mức 2,6%/năm, 6 tháng tăng lên 3,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, tăng 0,5 điểm % so với mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Đây là lần đầu tiên TPBank thay đổi biểu lãi suất huy động kể từ tháng 2.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BVSC, lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng hiện có xu hướng tăng nhẹ tại 2 kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Nhưng lãi suất huy động tăng chủ yếu ở một số ngân hàng thương mại cỡ vừa và nhỏ. Còn nhóm ngân hàng có vốn hoá lớn vẫn duy trì mặt bằng lãi suất huy động như các tháng trước.
Thực tế, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) vẫn giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi từ tháng 2.
Thậm chí, một số ngân hàng tư nhân cỡ lớn lại tiến hành giảm lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Chẳng hạn, theo biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 25/5 của VPBank, nhà băng này đã hạ lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm % tại hầu hết kỳ hạn. Techcombank cũng giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1-5 tháng với mức 0,1 điểm % so với tháng trước.
Các chuyên gia nhận định, diễn biến tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng trong thời gian gần đây chỉ mang tính cục bộ, mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng. Tuy nhiên, khi cầu tín dụng tăng mạnh trở lại, cùng với áp lực lạm phát, thì lãi suất huy động có thể sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm nay.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Khảo sát biểu lãi suất của hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước vào ngày 28/5, lãi suất huy động có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm ngân hàng. Lãi suất tiết kiệm gửi online thường cao hơn từ 0,1-0,2% so với gửi tại quầy.
Cụ thể, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm cho khách hàng gửi tại quầy ở mức 2,85-4%. Còn với hình thức gửi online, lãi suất huy động từ 3-4%. GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động gửi tại quầy được niêm yết trong khoảng 3-4%. GPBank là ngân hàng áp dụng mức lãi suất tối đa 4%/năm cho khách gửi tại quầy ở kỳ hạn này. Trong khi đó, lãi suất huy động gửi online từ 3,15-4,05%. SHB là ngân hàng có lãi suất cho khách gửi online cao nhất ở kỳ hạn này.
Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 3,8-6,25%. CBBank hiện là ngân hàng có lãi suất cao nhất với hình thức gửi tại quầy ở kỳ hạn này. Với hình thức gửi online, lãi suất huy động dao động trong khoảng 4-6,45%. Ngân hàng có mức lãi suất cho khách gửi online tốt nhất ở kỳ hạn này là SCB.
Ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy từ 3,8-6,35%. Ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này với hình thức gửi tại quầy là CBBank. Còn mức lãi suất gửi online ở kỳ hạn này là từ 4-6,6%. SCB là ngân hàng có mức lãi suất cho khách gửi online cao nhất ở kỳ hạn này.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động là 4,6-6,8%. Mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này đang thuộc về SCB (áp dụng cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online).
Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5-6,6%. Lãi suất huy động cao nhất tại quầy ở kỳ hạn này thuộc về CBBank và Kienlongbank. Còn mức lãi suất huy động theo hình thức gửi online dao động quanh mức 4,6-6,85%. SCB vẫn là ngân hàng có mức lãi suất cho khách gửi online cao nhất ở kỳ hạn này.
Với các kỳ hạn từ 18-36 tháng, lãi suất huy động tại quầy dao động trong khoảng 5-7%. SCB và VRB là 2 ngân hàng đứng ở vị trí quán quân về lãi suất huy động tại quầy ở các kỳ hạn này. Với hình thức gửi online, lãi suất huy động ở mức 5,75-7%. SHBlà ngân hàng có mức lãi suất cho khách gửi online cao nhất ở các kỳ hạn này.
Nhìn vào biểu lãi suất của các ngân hàng thương mại, có thể thấy, những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay chủ yếu là những ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, những ngân hàng lớn lại có mức lãi suất huy động rất thấp, ở một số kỳ hạn có thể thấp hơn các ngân hàng nhỏ tới 2,66 điểm %/năm.
Lãi suất cho vay sẽ tăng? Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, dù áp lực tăng lãi suất huy động đang lớn dần nhưng sẽ không quá mạnh và cũng không gây quá nhiều sức ép đến lãi suất cho vay. Trong khi đó, Công ty chứng khoán SSI dự báo, lãi suất cho vay có thể tăng từ đầu quý III/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc. |
Tuấn Dũng
Lãi suất bất ngờ tăng cao lên đỉnh, vay vốn sẽ ngày càng đắt đỏ
Gần đây, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh, cao gấp 2-3 lần thời điểm đầu năm. Việc lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.