“Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là một trong những nội dung nghị sự quan trọng tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14), diễn ra từ 19-22/9/2018 tại Hà Nội.
Họp báo về khâu chuẩn bị và nội dung Đại hội ASOSAI 14 ngày 28/3, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, đây là một sự kiện cấp cao quy mô lớn nhất của ASOSAI lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Dự kiến, có khoảng 350 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á, với cấp trưởng đoàn tương đương từ bộ trưởng trở lên, cùng 350 khách mời tại Việt Nam tham dự lễ khai mạc.
Trong khuôn khổ đại hội, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 được tổ chức với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.
Họp báo của KTNN về Đại hội ASOSAI 14 |
Lý giải thêm về chủ đề được chọn cho Đại hội ASOSAI 14 năm nay, ông Hồ Đức Phớc nói rằng, Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển bền vững, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế lấy ô nhiễm môi trường, đầu tư phải trên cơ sở hiệu quả kinh tế và không ảnh hưởng đến môi trường,
Trong khi đó, KTNN Việt Nam lâu nay có sở trường về kiểm toán tài chính công, ngân hàng, xây dựng cơ bản,… nhưng còn 3 lĩnh vực đi sau so với kiểm toán các nước, đó là kiểm toán môi trường, công nghệ thông tin và khoáng sản,...
Vì thế, chọn chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững là để Việt Nam vừa để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán môi trường, vừa rút ra những bài học về việc làm thế nào để Việt Nam phát triển mạnh mẽ về kinh tế mà giảm thiểu tối đa về tác động môi trường.
Do đó, khi đề xuất chủ đề này, Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan kiểm toán các nước châu Á.
Đến nay, KTNN đã tổ chức thực hiện được một số cuộc kiểm toán hoạt động về môi trường với chủ đề quản lý và xử lý nước thải công nghiệp tại các KCN, qua đó đã kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các địa phương, các chủ đầu tư và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung luật pháp, chính sách, quy định liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc triển khai các cuộc kiểm toán môi trường còn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn nhân lực, kỹ thuật; chưa chuyên nghiệp,... đặc biệt, chưa có một công cụ quan trọng là Hướng dẫn kiểm toán về Kiểm toán môi trường.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo KTNN cho biết, kiểm toán mỗi quốc gia đều có thế mạnh riêng của mình, tùy vào điều kiện của từng nước. Riêng với Việt Nam, KTNN có lợi thế về xác định giá trị kiểm toán DNNN trong cổ phần hóa, các dự án đối tác công - tư và nhiều vấn đề khác.
Chẳng hạn như, qua kiểm toán 49 dự án BOT, cơ quan này kiến nghị giảm 173 năm thu phí. Hay, kiểm toán 7 DNNN năm 2016, KTNN kiến nghị tăng thêm 21 ngàn tỷ vốn nhà nước và con số này là 9.988 tỷ năm 2017 tại 6 DNNN. Do vậy, kiểm toán doanh nghiệp sẽ là một trong những kinh nghiệm được KTNN chia sẻ tại Đại hội ASOSAI 14 tới đây.
Đại hội ASOSAI là diễn đàn hợp tác phương lớn nhất và là cơ quan cao nhất của ASOSAI, 3 năm tổ chức một lần. Đây là nơi họp mặt của tất cả những người đứng đầu các cơ quan kiểm toán tối cao, thành viên của ASOSAI, nhằm thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng như về các văn bản, chế độ, chính sách cần thiết được thông qua để đạt được các mục tiêu và sự phát triển của tổ chức; trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về lĩnh vực KTNN, bầu chọn thành viên ban điều hành, chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ tiếp.
Ngọc Hà