Thị trường chứng khoán đang trong những ngày đen tối. Từ mức đỉnh cao hơn 1.200 điểm, chứng khoán bắt đầu lao dốc. Hàng chục tỷ đô “bốc hơi” khỏi thị trường. Nhiều nhà đầu tư lâm cảnh “cháy” tài khoản. Làm gì để “sống sót” trong một thị trường lợi nhuận cao nhưng đầy rủi ro như chứng khoán?

Đám đông không phải lúc nào cũng đúng

Khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thường có xu hướng tìm cho bản thân một người tư vấn. Tuy nhiên, dù là môi giới, chuyên gia thì họ cũng không bao giờ có thể ra quyết định thay bạn. Mọi hành động mua, bán đều xuất phát từ lý trí của nhà đầu tư - một sự quyết định thiếu sáng suốt sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Xu hướng tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm đang khá phổ biến. Điều này sẽ nâng cao hiểu biết của một nhà đầu tư, sẽ cho phép họ tiếp cận với thị trường ở nhiều khía cạnh - nhưng số lượng nhà đầu tư có thể chắt lọc được những kiến thức, hiểu biết cho bản thân thì không quá nhiều. Đa phần các nhà đầu tư tham gia vào các diễn đàn chỉ đem theo một mong muốn: Mua mã nào để có tiền? Bán mã nào để thu tiền?... và rất ít nhà đầu tư đem theo mong muốn mình cần làm gì để hiểu biết hơn, để hiểu sâu hơn.

{keywords}
Thị trường chứng khoán rình rập nhiều cạm bẫy. Ảnh minh họa

Trong cuốn sách “Tâm lý thị trường chứng khoán” của G.C. Selden, tác giả đã nhắc đến một vấn đề rất thú vị: Quyền lực quyết định về giá của cổ phiếu không phụ thuộc vào số lượng nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu mà phụ thuộc vào những người có lượng tiền lớn nắm giữ cổ phiếu đó. Điều đó có nghĩa 500 nhà đầu tư, mỗi người có 100 USD sẽ không bao giờ quyết định được giá cổ phiếu sẽ tăng hay giảm so với một nhà đầu tư nhưng có 1 triệu USD. Nói như vậy để chúng ta có thể hiểu việc quyết định của cá nhân nó quan trọng hơn việc quyết định của đám đông người tham gia thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, việc phô bày danh mục của bản thân trên các diễn đàn dù vô tình hay cố ý, người tham gia thị trường chứng khoán đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng: bảo mật thông tin. Khi xã hội đang bùng lên các vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, thì những người này - họ lại lại đang đưa một trong những thông tin cần bảo mật nhất cho công chúng - thông tin về tài sản của họ - cụ thể ở đây là cổ phiếu.

Như vậy, nếu cứ mải miết, cứ bị cuốn vào vòng kim cô liên tục mua bán, và không biết bảo vệ bản thân  thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ gặp phải những thiệt hại lớn. Thị trường chứng khoán: Sự xuất sắc không bao giờ thuộc về số đông.

Đầu tư hay đầu cơ

Liệu có bao nhiêu người khi tham gia vào thị trường chứng khoán tự hỏi mình mua cổ phiếu theo phương pháp nào, thời gian nắm giữ bao lâu, hay họ chỉ luôn có một suy nghĩ: Hy vọng “hàng” về có lãi.

Mua một cố phiếu là mua sự hy vọng, mua một sự kỳ vọng tăng giá trong tương lai. Nhưng: Sự hy vọng, kỳ vọng này phải được tạo ra trên một cơ sở khoa học, một thống kê dữ liệu trong quá khứ để có thể dự đoán được phần nào triển vọng cổ phiếu trong tương lai. Đừng bao giờ mua sự hy vọng, kỳ vọng bằng lời nói - Nó là ước mơ của những phép thống kê, định lượng,...

Thiếu phương pháp luận khi tiếp cận thị trường cũng dẫn đến những rắc rối không hề nhỏ cho người chơi chứng khoán. Rất nhiều người mua cổ phiếu để bán trong một thời gian ngắn nhưng khi gặp rủi ro lại không thể buông bỏ, tạm dừng rủi ro để để hạn chế thiệt, mà vẫn tiếp tục nắm giữ và chờ đợi vào một sự tăng giá - sự cố chấp này liên tục đưa người mua, bán chứng khoán đến với những thiệt hại ngày càng nặng nề. Thời gian từ trước tết âm lịch 2018, số lượng người chơi chứng khoán bị cháy tài khoản không hề hiếm mặc dù trước đó họ đã kiếm được rất nhiều tiền.

Việc xây dựng phương pháp phù hợp với bản thân sẽ cho phép người tham gia thị trường có thể tiếp cận với cổ phiếu ở những khía cạnh phù hợp nhất, tốt nhất với họ. Không bị sự bất ổn chi phối, không mua phải những cổ phiếu “rác” trên thị trường.

Không thể tìm cho bản thân một phương pháp khi tiếp cận thị trường là một trong những sai lầm rất lớn của người tham gia thị trường chứng khoán. Vì vậy, trước khi đặt tay ấn phím lệnh mua, bán hãy tự hỏi mình đã đủ hiểu biết về cổ phiếu chưa? Đã có đủ thông tin để ra quyết định chưa?

Xây dựng hệ thống kiến thức cho mình - đó là trách nhiệm, là sự yêu thương chính bản thân mình, nâng đỡ giá trị cho bản thân ngày càng cao hơn.

Đừng để bản thân thành người đánh bạc

Dùng đòn bẩy tài chính lớn với mong muốn kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù trong một thời gian ngắn - Mong muốn chính đáng nhưng lại giống như xây một ngôi nhà trên một cọng rơm.

Không có sự kiểm soát rủi ro là tình trạng chung của nhiều người tham gia chứng khoán là cá nhân - điều này tất cả đều xuất phát từ sự tham lam vô độ, không bao giờ chừa cho bản thân một con đường lui.

Thị trường là chiến trường - người đứng trong chiến trường liệu có ai mong muốn mình thành “tử sĩ”? Chắc chắn là không - Nhưng bản thân nhiều người tham gia thị trường thì lại không hề có mong muốn tìm cho mình một con đường lui. Họ chỉ muốn tiến lên bằng vũ khí đòn bẩy và khi thứ vũ khí này bị bẻ gãy - những người dùng đòn bẩy một cách thiếu lý trí sẽ là những lớp binh lính ngã xuống đầu tiên.

Có một phép ẩn dụ: trong binh đoàn tự nguyện ra chiến trường người anh hùng không phải là người đã mất mạng mà là người còn an toàn trở về và nói người đã mất mạng kia là anh hùng. Chứng khoán cũng vậy. Người anh hùng không phải là người kiếm được nhiều tiền và đốt hết nó thành tro bụi, mà anh hùng là người vừa kiếm và vừa giữ được tiền cho bản thân mình.

Sẽ còn rất nhiều những sai lầm, những lỗ hổng mà trong một bài viết không thể nói hết được. Tự mỗi nhà đầu tư hãy học cách nâng cao giá trị kiến thức và sửa chữa sai lầm của bản thân. Đừng bước đi trên con đường đầy chông gai mà thiếu một chiếc đèn pin.

Tuệ Nguyễn