Dựa trên nhu cầu thực tế về việc tăng lượt tiếp cận thông qua lượt xem (view), lượt thích (like) và theo dõi (follow) trên các nền tảng YouTube, TikTok…, một số đối tượng lừa đảo đã tạo nên các trang web kiếm tiền tại nhà để chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Khó nhằn
Với tâm lý chủ quan vì số tiền phải nạp vào ít, có mất cũng không sao, nhiều người dùng đã "sập bẫy". Nguyễn Đức Cường (20 tuổi, Bình Giang, Hải Dương) cũng là một trong số những nạn nhân của chiêu trò này. Cường cho biết, những ngày nghỉ dịch ở nhà không có việc làm nên thường xuyên tham gia vào các nhóm kiếm tiền online trên Facebook. Vì thường xuyên thấy các bài đăng liên quan đến việc kiếm tiền nhờ xem video nên đã đăng kí tham gia.
Chỉ sau vài bước đăng kí thông tin đơn giản, Cường đã có tài khoản được yêu cầu nạp vào số tiền 250 ngàn đồng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày làm theo hướng dẫn và miệt mài xem video, bỗng dưng một ngày trang web không thể truy cập. Tất cả thông tin về trang web cũng như số điện thoại hỗ trợ đều biến mất không dấu vết.
Cũng với chiêu trò tương tự, chị Nguyễn Mai A. (34 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) đã mất tiền oan cho trang web Goshare88.com. Tin theo những lời mời chào trên mạng, chị A. đã nạp vào trang web 300 ngàn đồng để nhận 5 nhiệm vụ mỗi ngày với 50 ngàn đồng/nhiệm vụ và hoa hồng là 6%.
Tuy nhiên, khi vừa thực hiện nhiệm vụ xem video được 1 tuần, bỗng dưng trang web "bay màu", số tiền nạp vào tài khoản trên trang web của chị cũng không thể lấy lại được.
Chị A. cho biết thêm, ngoài mức nạp tiền là 300 ngàn đồng, người dùng còn được chọn các mức "đầu tư" cao hơn như 1 triệu đồng, 3 triệu đồng… Với những ai càng ham làm giàu nhanh thì rủi ro càng lớn.
Cần nâng cao cảnh giác
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các trang mạng xã hội, một số đối tượng đã đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của người dùng mạng, tiếp cận người dùng với các hình thức, chiêu trò lừa đảo đa dạng. Số tiền đầu tư ban đầu cho mỗi người lại không cao, chỉ vài trăm nghìn. Tuy nhiên, nếu lừa đảo với số lượng hàng ngàn người tham gia, các đối tượng có thể thu về bất hợp pháp số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả của hành vi đó gây ra mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Theo luật sư Tiền, đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền dưới 2 triệu đồng sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm "c" khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với số tiền phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Ngoài ra, người thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu chiếm đoạt số tiền trên 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật này. Khung hình phạt cụ thể cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác phụ thuộc vào số tiền chiếm đoạt.
Theo đó người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.
Luật sư Tiền cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và hết sức tỉnh táo đối với các hình thức mời chào kiếm tiền qua mạng. Làm giàu là nhu cầu chính đáng của mỗi người; tuy nhiên, phải đầu tư đúng lúc, đúng chỗ, đúng quy định của pháp luật. Người dân không nên tin tưởng và chuyển tiền cho những đối tượng, tổ chức không có thông tin rõ ràng, không được cơ quan nhà nước chứng nhận.
Đối với hình thức lừa đảo trên mạng, cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng công tác điều tra, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm thật mạnh tay để hạn chế, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản cho người dân. Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. |
(Theo Đại đoàn kết)
'Con mồi' sập bẫy với chiêu xem video, đọc tin tức kiếm tiền qua mạng
Với mong ước "ngồi mát ăn bát vàng", nhiều người dân đã sập bẫy với chiêu lừa kiếm tiền nhanh khi chỉ cần ngồi nhà xem video, đọc tin tức trên mạng internet.