9 tháng đầu năm, Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giành ngôi vị số 1 về lợi nhuận, chiến thắng sít sao Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của đại gia Trần Đình Long với 27,08 nghìn tỷ đồng, trong khi Hòa Phát đạt 27,05 nghìn tỷ đồng.
Vinhomes của tỷ phú Vượng đạt lợi nhuận kỷ lục nhờ mở bán tại 3 đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park và các dự án mới. Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long hưởng lợi từ giá thép tăng cao và sản lượng tăng nhờ dự án Dung Quất.
Việc nhà máy sản xuất thép của HPG đi vào hoạt động trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung về thép hồi đầu năm đã tạo lợi thế không nhỏ cho HPG. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng mạnh từ 20 lên 30%.
Trong quý IV, tình hình có thể có thay đổi khi mà chính sách chống đại dịch Covid-19 thay đổi và một số chính sách tài chính tiền tệ cũng đã khác.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16 (tháng 11/2021) quy định việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua/bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư quy định các tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong nhiều trường hợp như: doanh nghiệp cơ cấu lại khoản nợ; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; tăng quy mô vốn hoạt động...
Thông tư 16 được cho là sẽ có tác động đặc biệt đến nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Trước đó, thế giới chứng kiến cảnh ông lớn bất động sản Trung Quốc Evergrande gặp vấn đề về thanh khoản. Tập đoàn này ghi nhận doanh thu/lợi nhuận tăng trưởng đều đặn hàng năm, nhưng lại không có tiền trả nợ đến hạn.
Trong khi đó, Hòa Phát của tỷ phú Long cũng không còn nhiều thuận lợi do giá thép thế giới giảm. Bù lại, doanh số có thể tăng lên theo những diễn biến mở rộng dự án của tập đoàn này.
Cuộc đua về lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán ngày càng mạnh mẽ. Trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ có thêm những doanh nghiệp có lợi nhuận tỷ USD như Vinhomes, Hòa Phát, Vietcombank.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 29/11
Mở cửa phiên giao dịch sáng 29/11, áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm trên 20 điểm. Chốt phiên sáng 29/11, chỉ số VN-Index giảm 14,55 điểm xuống dưới ngưỡng 1.480 điểm. Chỉ số Upcom-Index cũng giảm khá mạnh. Tuy nhiên, dòng tiền đổ sang sàn Hà Nội giúp chỉ số HNX-Index tăng hơn 3 điểm.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán lên rất mạnh trong bối cảnh thế giới lo sợ về một biến chủng virus corona mới. Chỉ số VN-Index mở cửa giảm hơn 20 điểm và hiện xuống ngưỡng 1.470 điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
VN-Index giảm khỏi đỉnh 1.500 điểm vừa đạt được trong tuần trước. |
Theo VCBS, xu hướng của chỉ số trong tuần mới sẽ là kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.490 điểm và chờ đợi sự lan tỏa rộng hơn của sắc xanh ra các cổ phiếu khác trên thị trường trước khi có thể chinh phục các mốc kháng cự mới.
Các nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý IV/2021 cũng như năm 2022.
Theo YSVN, thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở phiên giao dịch đầu tuần và mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1.459 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa cho thấy thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn tích lũy trong các phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm trong vùng bi quan cho thấy tâm lý ngắn hạn vẫn còn rất thận trọng với xu hướng ngắn hạn và dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Chốt phiên chiều 26/11, chỉ số VN-Index giảm 7,78 điểm xuống 1.493,03 điểm. HNX-Index giảm 1,04 điểm xuống 458,63 điểm. Thanh khoản đạt 41,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 35,4 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Ngày IPO bị 'hắt hủi', DN nhỏ thần tốc vượt Vinhomes, chiếm Top 1 Việt Nam
Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt lên vị trí số 1 trên thị trường chứng khoán chỉ sau khoảng 5 năm.