Hàng loạt các cổ phiếu có thị rất thấp, ngang mớ rau, cốc trà bất ngờ tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc. Nhiều người đặt cược vào cổ phiếu bên bờ vực phá sản với kỳ vọng lãi nhiều, đầu tư 1 tỷ, tính kiếm triệu USD.
Cổ phiếu tăng sốc
Trong vài phiên giao dịch gần đây, giới đầu tư xôn xao với cú tăng dậy sóng của cổ phiếu NTB của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, cổ phiếu từng được xem là "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS, vốn bặt tăm trên thị trường 3-4 năm qua sau khi hủy niêm yết.
Trong vòng chưa tới 2 tháng, cho dù chỉ được giao dịch 1 phiên mỗi tuần và âm vốn chủ sở hữu 670 tỷ đồng, nhưng NTB đã bất ngờ tăng giá gấp 3, từ 300 - 400 đồng lên 900 đồng/cp vào ngày 31/3.
TTCK khởi sắc, nhiều cổ phiếu "trà đá, rau thơm" tăng mạnh. |
Cũng trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc thậm chí còn tăng gần 4 lần trong vòng chưa hơn 2 tháng qua, từ mức giá dưới 2.000 lên gần 8.000 đồng/cp, đánh bại mọi thành tích của các cổ phiếu khác.
Cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành cũng tăng gấp đôi, từ 4.000 đồng lên 8.500 đồng/cp. Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) cũng bất ngờ tăng gấp 2 lần, lên 7.000 đồng/cp bất chấp khối nợ khổng lồ đe dọa sự bền vững về mặt tài chính của DN này.
Gần đây, cặp đôi HNG - HAG của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng tăng nhanh, gấp khoảng 2 lần từ mức 5.000-6.000 đồng lên 10.000-12.000 đồng/cp chỉ trong một thời gian ngắn trong quý 1/2017. Cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị cũng gây bất ngờ khi tăng một mạch từ khoảng 3.000 đồng lên 7.000 đồng/cp trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Trước đó, trong năm 2016, TTCK cũng đã chứng kiến nhiều cổ phiếu “hạng ruồi” tăng giá khủng. SHN của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội dậy sóng, tăng liên tục từ giá “rau dưa” vài trăm đồng lên tới trên 20.000 đồng/cp.
Cổ phiếu TNT của CTCP Tài Nguyên cũng có khoảng thời gian tăng liên tục tổng cộng 20 lần, từ vài trăm đồng lên hơn 25.000 đồng/cp. Cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một tăng gấp hơn 2,5 lần trong vòng một tuần.
Gần đây, trên thị trường tự do, giá nhiều cổ phiếu OTC cũng tăng rất nhanh. Giá một số cổ phiếu ngân hàng tăng vài ba lần trong một khoảng thời gian ngắn. Cổ phiếu của các DN có hoạt động kinh doanh tốt đang được “săn” ráo riết.
Cú đánh cược lớn: đầu tư 1 tỷ, kiếm triệu USD
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các đợt tăng dậy sóng của một số cổ phiếu tưởng chừng sắp phá sản, DN nợ nần chống chất. Sự sôi động của TTCK từ 2016 là một trong những yếu tố giúp dòng tiền đổ vào không chỉ các cổ phiếu tốt, mà cả các cổ phiếu có thị giá rất thấp, triển vọng tối tăm.
TTCK sôi động là lúc các cổ phiếu đồng loạt tăng giá. |
Với NTB, đợt tăng giá lần này rất ấn tượng. NTB liên tục tăng trần 7 phiên với dư mua gần đây lên tới hàng trăm ngàn cổ phiếu. Sức nóng của NTB gắn liền với tin đồn và kỳ vọng Ngân hàng Sacombank được tái cấu trúc nợ, thay đổi chủ trong cuộc đại hội cổ đông vào cuối tháng.
Kỳ vọng nằm ở chỗ, khối nợ xấu khổng lồ của NTB tại Southernbank và giờ nằm ở Sacombank (sau vụ sáp nhập giữa 2 NH này) có thể được xử lý bán cho công ty mua bán nợ làm giảm áp lực cho “ông lớn” BĐS một thời này.
Kỳ vọng còn nằm ở chỗ, nếu một số NĐT lớn trở lại hoặc về với Sacombank, như cựu chủ tịch Đặng Văn Thành,... thì ngân hàng này có thể "bay cao" và con nợ NTB cũng sẽ tìm được hướng xử lý nợ xấu tốt hơn và cất cánh theo. Năm bảy dự án lớn dang dở của NTB tính theo giá thị trường có thể giúp NTB thoát cảnh âm vốn.
Nếu đánh cược vào thời điểm giá cổ phiếu 300-500 đồng thì số tiền sẽ nhân gấp 20-30 lần khi NTB về mệnh giá (10.000 đồng/cp). Đánh cược 1 tỷ đồng, các NĐT có thể thu về cả triệu USD, trong một thời gian không dài lắm.
Cú tăng bật trở lại của Gỗ Trường Thành (TTF), Quốc Cường Gia Lai (QCG) hay HNG - HAG của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức),... cũng vậy. Đây đều là những cổ phiếu từng nổi bật một thời. Nhiều DN đang nắm giữ một lượng tài sản có giá trị rất lớn. Khó khăn chỉ nằm ở chỗ nợ nần quá nhiều, doanh thu và lợi nhuận không kịp bù đắp chi phí.
Nhưng nhiều cổ phiếu vẫn không thể thoát kết cục thảm hại. |
Các cổ phiếu này có thể hồi phục rất nhanh nếu vấn đề nợ được xử lý. Sự hồi phục tăng giá cả chục lần của cổ phiếu bị lãng quên SHN của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội như hồi cuối 2016 là nhờ đại gia Geleximco của ông Vũ Văn Tiền hỗ trợ tái tái cấu trúc toàn diện.
Tuy nhiên, số lượng các cổ phiếu vượt lên hẳn khỏi bờ vực phá sản và thoát khỏi gánh nợ nần nặng nề kéo dài nhiều năm không nhiều. Nhiều cổ phiếu cũng đã từng lóe sáng trước khi tắt lịm. Đầu năm 2014, cổ phiếu PXM ở trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu vẫn có đợt tăng trần 10 phiên liên tiếp lên 2.500 đồng/cp. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này liên tục đi xuống và hiện đang ở mức 300 đồng/cp.
Lợi nhuận tỷ lệ thuận với rủi ro, càng mạo hiểm thì kết quả thu về có thể càng lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK vẫn còn quá nhiều cổ phiếu lởm, cổ phiếu giấy lộn, cổ phiếu xác sống… thì việc lựa chọn được các cổ phiếu có khả năng phục hồi không dễ, nhất là khi TTCK đang trong xu hướng tăng giá mạnh mẽ. Các NĐT cần cẩn trọng để tránh trắng tay như với rất nhiều cổ phiếu đã biến mất hoàn toàn trên TTCK trong vài năm gần đây.
M. Hà