Tốc độ tăng trưởng rất tốt của thị trường tài chính tiêu dùng (TCTD) tại Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu các quy định hướng dẫn không được ban hành kpj thời. Kể từ 1/1/2017, Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực về mức lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận và không được vượt quá 20% sẽ khiến thị trường TCTD bị xáo động mạnh, nếu không có thêm thông tư hướng dẫn Luật để làm rõ cụm từ “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” trong luật.
Bộ luật Dân sự 2015 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017. Trong đó, khoản 1, điều 468 của Bộ luật quy định: “Lãi suất do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Cụ thể tại khoản 2 điều 468 của Bộ luật cũng quy định: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ”.
Trong thời gian qua, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang phát triển rất tốt. |
Bày tỏ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề này, lãnh đạo NHNN từng cho rằng, NHNN áp dụng mức trần lãi suất 20%/năm đối với các quan hệ dân sự ngoài ngân hàng, loại trừ áp dụng với các ngân hàng đã hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD). Bởi trên thực tế, Luật các TCTD đã quy định các TCTD được phép thỏa thuận lãi suất theo quy định của pháp luật, “trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác”.
Theo các luật sư: Như vậy, có thể hiểu rằng, Luật TCTD quy định là ngân hàng được thoả thuận lãi suất thì BLDS cũng cho phép.
Ts. Phan Thế Thắng – chuyên gia kinh tế và luật cho rằng: “Vay tiêu dùng mang nhiều rủi ro. Nợ xấu thường xuyên xảy ra, các đơn vị cho vay cần tăng lãi suất để bù đắp chi phí. Vì vậy, mức lãi suất 20% mang rất nhiều rủi ro và không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công ty tài chính tiêu dùng”
Do đó, các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng nhằm cân bằng lợi ích của người tiêu dùng (NTD) và các TCTD để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NTD, tuy nhiên cũng phải đảm bảo được lợi ích của các TCTD nhằm kích thích sự phát triển của hoạt động VTD
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: “Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong số đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện về thủ tục hành chính, thủ tục thuế quan tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và phát triển nền kinh tế tại Việt Nam. Một nền kinh tế ổn định sẽ giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm, người lao động có thu nhập ổn định hơn. Nền tảng vững chắc kết hợp với yếu tố tỷ lệ dân số trẻ tập trung nhiều ở thành thị sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường vay tiêu dùn, bởi những đối tượng đó có nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cao nhằm cải thiện cuộc sống”
Thị trường vay tiêu dùng tại Việt Nam rất tiềm năng, đóng góp không nhỏ vào việc cải thiện đời sống của người dân, cũng như có vai trò tích cực trong việc phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc phát triển dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế sự hoành hành của nạn “tín dụng đen”, hình thành thị trường tín dụng với đa dạng sản phẩm, đem lại nhiều lựa chọn cho người dân. Hơn nữa, nó còn góp phần kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ phát triển mạnh mẽ …
“Quy định lãi suất trần là điều cần thiết, nhưng cần có mức lãi suất phù hợp, vì thế cần cân nhắc mức trần cứng 20%. Bởi chỉ khi đảm bảo lợi ích, các TCTD mới có thể phát triển đem lại nhiều gói sản phẩm tốt hơn cho NTD. Trong BLDS 2015 cũng quy định căn cứ vào tình hình thực tế sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp” Ông Thắng, nhấn mạnh.
Nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn, do đó các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại đang có rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, họ đang gặp nhiều bất cập trong quá trình hoạt động bởi chưa có một khuôn khổ pháp lý riêng.
Theo đó, Nhà nước cần ban hành thêm những Thông tư hướng dẫn thực hiện BLDS 2015 cụ thể hơn, giúp người dân hiểu các TCTD được phép thực hiện theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, được phép thỏa thuận mức lãi suất vay tiêu dùng, khuyến khích hoạt động cho VTD phát triển, phục vụ cải thiện đời sống xã hội và góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Thu Thủy