Báo cáo mới đây của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch là 91 trong khoản thời gian vỏn vẹn 5 tháng cuối năm.
Việc cổ phần hóa ở nhiều doanh nghiệp gặp khó vì định giá đất đai. Hình minh họa. |
Vào cuối tháng 7, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với 2,4 triệu cổ phần (tương đương gần 64% vốn điều lệ) của Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương. Hiện Nhà nước sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp chăn nuôi lợn đực giống, lợn nái sinh sản và lợn thịt tại tỉnh Hải Dương này.
Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến hết tháng 7 vừa qua, đã có 177 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tính đến hết tháng 7-2020, chỉ mới tiến hành cổ phần hóa được 37/128 doanh nghiệp thuộc danh mục theo Công văn số 991 (ngày 10-7-2017) và Quyết định số 26, bằng 28% kế hoạch đặt ra. |
Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong 5 tháng còn lại của năm 2020 là 91. Trong đó, Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), TPHCM có 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty), Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty) và Bộ Xây dựng có 2 tổng công ty.
Về tình hình thoái vốn, trong tháng 7 vừa qua, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với giá trị 260 tỉ đồng, thu về 678 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỉ đồng, thu về 1.110 tỉ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 7-2020 là 25.630 tỉ đồng, thu về trên 172.800 tỉ đồng.
Liên quan đến việc thoái vốn, vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 908 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, có tới 120 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Một số tự thoái vốn, một số được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để thoái vốn.
Tại cuộc họp gần đây, cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ tập trung sửa đổi các Nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Vào cuối năm ngoái, Bộ Tài chính nhận định một trong số các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa diễn ra chậm chạp là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai.
Theo đó, có một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, MobiFone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Bên cạnh việc phê duyệt phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn vì các tập đoàn, tổng công ty có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động trải dài cả nước. Trong khi các quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, khiến các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn xác định một trong những nguyên nhân quan trọng là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn.
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến đảo lộn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà thị trường chứng khoán gặp nhiều yếu tố rủi ro bất định khiến việc niêm yết và thoái vốn trở nên khó hơn.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Yuanta, hệ quả của việc thoái vốn, cổ phần hóa là giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. “Mặc dù sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có phần chậm lại, nhưng hoạt động thoái vốn giúp cho doanh nghiệp cải thiện về chất lượng tài chính khi tăng lợi nhuận được cải thiện đáng kể, nhất là sau 2 năm kể từ khi thoái vốn nhà nước”, báo cáo nhận định.
(Theo TBKTSG Online)