- Ngay từ chính trong nước Mỹ cho tới châu Âu và Trung Quốc… đều đang có những lo lắng và biện pháp phòng ngừa đối với các chính sách của tổng thổng Donald Trump và sự mạnh lên của đồng USD và nền kinh tế Mỹ.


Bước ngoặt thập kỷ

Thị trường tài chính thế giới vừa bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ mà cả thế giới từ chính nước Mỹ, các nước châu Âu, châu Á trong đó có Trung Quốc phải cẩn trọng tìm cách đối phó với đồng USD sau gần một thập kỷ khá yên bình ổn định.

Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, đầu giờ sáng 16/3 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 25 điểm phần trăm lên ngưỡng 0,75% - 1%/năm. Cơ quan này vẫn giữ nguyên kế hoạch nâng thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần năm 2018.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong vòng 4 tháng qua và lần thứ 3 (lần đầu hồi cuối 2015) trong 10 năm nhưng là lần đầu tiên dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump.

{keywords}
Fed tiếp tục tăng lãi suất dưới thời Donald Trump.
Khác với các cuộc họp trước, quyết định tăng lãi suất lần này của Fed không bất ngờ. Đồng USD thậm chí còn quay đầu giảm giá vì đã tăng khá mạnh trong nhiều tháng vừa qua và các khảo sát 1-2 tuần qua cho thấy thấy khả năng Fed tăng lãi suất lần này đều trên 90%.

Sự thay đổi lớn có lẽ chính là ở chỗ, thị trường đã tìm được xu hướng. Theo đó, Fed đã ra tín hiệu rõ ràng rằng nền kinh tế Mỹ đã tốt lên và ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bước vào thời kỳ tăng lãi suất đều đặn.

Trên thực tế, giới đầu tư có một chút thất vọng vì Fed không nhắc đến kế hoạch đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới và cũng không nhắc đến khả năng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn nếu Nhà Trắng thúc đẩy các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có các chương trình chi tiêu và cắt giảm thuế.

Nhưng đối với các chuyên gia Phố Wall, thì Mỹ đã vào chu kỳ tăng lãi suất một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Fed sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất định kỳ thường xuyên trong năm 2017 và 2018.

Thông điệp đơn giản là, Mỹ đã chính thức bước vào quá bình thường hóa lãi suất, thay cho khoảng thời gian 8-9 năm lãi suất nằm bất động ở mức thấp kỷ lục 0-0,25%. Quyết định của bà Janet Yellen, chủ tịch Fed quyết đoán hơn và không còn thận trọng, e dè, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường. Các đánh giá không còn những từ kiểu như: “kiễn nhẫn”, “chờ thời gian thích hợp”, “lãi suất có khả năng tăng vào một thời điểm nào đó”… mà thay vào đó là quyết định tăng lãi suất và nhận xét tích cực về nền kinh tế Mỹ.

{keywords}
Donald Trump và chủ tịch Fed Janet Yellen.

Fed sẽ chủ động trong vai trò dẫn dắt các thị trường. Ngân hàng trung ương các nước cũng sẽ bước vào một thời kỳ mới, có thể ngay sau một loạt các cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng này tại Anh, Nhật, Na Uy, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối phó với chính sách của Donald Trump

Về ngắn hạn, đồng USD được dự báo có thể giảm sau một thời gian tăng liên tục vừa qua. Nhưng với xu hướng lãi suất sẽ tăng liên tục để thích ứng với kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng dựa trên cải cách thuế, giảm quy định hành chính và đầu tư cả ngàn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của ông Trump, thì đồng tiền này chắc chắn sẽ còn tăng mạnh.

Quyết định của Fed sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt của nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới. Nó sẽ khiến lãi suất thương mại tại Mỹ, từ mua nhà, mua xe hơi, tiêu dùng… tăng cao. Các thị trường chứng khoán và giá dầu cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, trái ngược với quy luật thường thấy, vàng đã tăng giá rất mạnh. Nó cũng phản ánh diễn biến giảm của USD trong ngắn hạn và sự bất ổn trên thị trường tài chính thế giới trong tương lai.

{keywords}
Trong buổi nói chuyện với công nhân ngành ô tô tại Ypsilani, Michigan hôm 15/3, ông Donald Trump chưa có phản ứng gì về quyết định của Fed.

Về dài hạn, quá trình “bình thường hóa” lãi suất của Mỹ song hành cùng với các chính sách bơm tiền của ông Trump sẽ khiến đồng USD tăng mạnh, mà theo TS. Cấn Văn Lực, có thể lên tới 15-20% trong vòng 3 năm tới nếu theo đúng các chính sách của ông Trump. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng rất lớn lên thị trường ngoại hối thế giới, ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và quan hệ xuất nhập khẩu của rất nhiều nước từ châu Âu cho tới Trung Quốc.

Khi nước Mỹ “trở nên vĩ đại trở lại” (great again) theo như cam kết của ông Donald Trump và đồng USD tăng vọt, quan hệ quốc tế cũng như trật tự trên thế giới có thể chuyển dịch theo một hướng mới.

Fed có lẽ đã lường trước được triển vọng tăng trưởng nhanh trở lại của kinh tế Mỹ có thể sẽ gắn liền với bất ổn. Đây là lý do mà, theo các chuyên gia, trong vài năm tới, sự quan tâm và lợi ích của ông Trump và bà Yellen “gắn chặt chẽ với nhau”.

Ông Trump muốn tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng nhanh hơn còn bà Yellen chắc chắn sẽ xử lý các vấn đề phụ phát sinh bên lề thông qua các quyết định tăng lãi suất trong một lộ trình “ngoan ngoãn”.

Với nhiều nước trên thế giới, những chính sách mới của Mỹ cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Gần đây, sự giảm giá của nhiều đồng tiền như NDT của Trung Quốc (so với USD) khiến dòng tiền bị rút ra khỏi các thị trường này. Đồng USD mạnh lên khiến thị trường tài chính tiền tệ nhiều nước chao đảo, không ngoại trừ lớn nhỏ, như Trung Quốc.

Đối với thị trường Việt Nam, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, về thực chất tác động của việc Fed tăng lãi suất sẽ không diễn ra ngay lập tức vì thị trường đã tính toán trước. Mặt khác thị trường đã kỳ vọng một mức tăng cao hơn.

Thực tế trong sáng 16/3 ngay sau quyết định của Fed, tỷ giá USD so với các đồng tiền châu Á đã giảm xuống. Thông điệp của Fed cũng cho thấy sẽ còn có thể có các lần tăng khác diễn ra tiếp sau.

Về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên nếu lãi suất tiền đồng Việt Nam không tăng thì trong vài tháng tới sẽ thấy tác động lên ngoại hối. Nếu Fed tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay (dự kiến tối thiểu 3 lần trong 2017), xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực trong 6 tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại.

Khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, Việt Nam cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát.


V. Hà