Gã khổng lồ địa ốc tham vọng ô tô, ham bóng đá
Evergrande được thành lập năm 1996 bởi tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), là một trong những DN bất động sản lớn nhất Trung Quốc với những con số khiến giới nhà đầu tư phải giật mình vì tốc độ tăng trưởng quá nhanh: 1.300 dự án tại 280 thành phố, 20 vạn lao động và gián tiếp duy trì 3,8 triệu việc làm mỗi năm.
Trước khi rơi vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, Evergrande đã phát triển dữ dội và trở thành DN bất động sản (BĐS) có doanh thu lớn thứ 2 Trung Quốc, lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu.
Không chỉ phát triển bùng nổ trong lĩnh vực BĐS, Evergrande lấn sân sang các lĩnh vực khác như xe điện, du lịch, thể thao, công viên giải trí, thực phẩm đồ uống... Năm 2020, Evergrande mua một đội bóng đá và xây trường dạy bóng đá lớn nhất thế giới, với chi phí 185 triệu USD và có kế hoạch xây dựng sân vận động bóng đá lớn nhất thế giới với tổng đầu tư 1,7 tỷ USD, có sức chứa 100.000 khán giả.
Với uy tín của một gã khổng lồ, Evergrande huy động được hàng chục tỷ USD khi tuyên bố nhảy vào lĩnh xe điện, cho dù không biết gì về công nghệ cũng như ô tô. Evergrande tuyên bố Evergrande NEV sẽ vượt xa hãng xe điện số 1 thế giới là Tesla cho dù đến nay doanh thu vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Công ty xe điện này có lúc được định giá lên tới 120 tỷ USD, gấp đôi so với công ty mẹ, và cao hơn các hãng ô tô truyền thống lớn như Ford và General Motors.
Ông chủ Tập đoàn Evergrande |
Trong vài năm qua, Evergrande ngày càng đầu tư dàn trải và rời xa khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và hiện đứng ở bờ vực phá sản sau khi Bắc Kinh thực hiện chiến dịch chống tình trạng lạm dụng đòn bẩy tài chính ở các DN BĐS.
Trong một thời gian dài, Evergrande dùng uy tín của mình để huy động vốn cho mảng xe điện, con số có thể lên tới hơn 7 tỷ USD. Nhưng ở vào thời điểm hiện tại khi mà công ty mẹ đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có thì tham vọng xây dựng một đế chế xe điện gặp khó khăn hơn bao giờ hết.
Thành con nợ lớn nhất thế giới
Hoạt động kinh doanh của Evergrande chủ yếu liên quan đến việc mua đất từ chính quyền địa phương, xây dựng dự án và bán các căn hộ cho khách hàng trước khi hoàn thành. Công ty sử dụng số tiền bán được cùng với vay mượn để mua thêm đất cho dự án tiếp theo. Quỹ đất của Evergrande lên tới hơn 2 triệu mét vuông.
Trước đó, không ít các nhà phân tích đã dự đoán về sự sụp đổ của Evergrande. Nhưng những ngày đen tối chỉ đến với Evergrande khi mà các cơ quản lý Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực BĐS bắt đầu từ tháng 8/2020 với 3 quy định quan trọng mà mục đích là hạn chế khả năng tiếp tục tích lũy nợ của các tập đoàn BĐS tại nước này.
Bắc Kinh buộc các DN phải giới hạn tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản phải dưới 70%; kiểm soát tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100% và mức tiền mặt ít nhất phải tương đương với số nợ ngắn hạn.
Những quy định của chính quyền đã khiến Evergrande không thể dùng đòn bẩy để vay thêm tiền thực hiện các dự án và buộc phải giảm giá nhà, bán bớt đất với giá rẻ để đảm bảo thanh khoản.
Tuy nhiên, việc bán tài sản không hề dễ trong khi Evergrande không có tiền để phát triển các dự án để trả nhà cho những người trả tiền trước để mua căn hộ. Evergrande đã nhận những khoản tiền khổng lồ từ 1,4 triệu căn hộ chưa hoàn thiện.
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi chính phủ Trung Quốc thực hiện hàng loạt các chính sách kiềm soát giá nhà nhằm kiềm chế giá leo thang như một phần trong chính sách thịnh vượng chung - common prosperity. Giá nhà tại nhiều thành phố ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với các thành phố tại Mỹ và châu Âu.
Tính đến giữa 2021, Evergrande ghi nhận khoảng 300 tỷ USD tiền các khoản nợ, đó là chưa tính tới những khoản nợ ngoài sổ sách khó xác định. Evergrande đang nợ các ngân hàng trong nước, các trái chủ. Trên thị trường nước ngoài, Evergrande nợ khoảng 20 tỷ USD.
Nguy cơ sụp đổ. |
Bắc Kinh lưỡng lự, Evergrande nguy cơ sụp đổ
Cho tới thời điểm này, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu nào hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Evergrande để thanh toán trái phiếu. Theo Bloomberg, Bắc Kinh mới chỉ ban hành hướng dẫn khuyến khích tập đoàn BĐS này tránh vỡ nợ.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nếu Bắc Kinh nhúng tay cứu Evergrande thì chiến dịch ngăn chặn nguy cơ bong bóng nhà đất và rủi ro tài chính trong ngành BĐS (như dùng đòn bẩy tài chính cao) sẽ suy yếu. Khả năng Chính phủ Trung Quốc can thiệp có lẽ chỉ khi có nguy cơ gây bất ổn hệ thống tài chính nước này.
Nhiều đánh giá cho rằng, quá trình tái cấu trúc sẽ diễn ra theo hướng Evergrande sẽ phải bán các dự án, tài sản không phải cốt lõi để giảm nợ trong khi duy trì hoạt động phát triển BĐS để giảm thiểu thiệt hại cho cả triệu người mua nhà.
Bom nợ Evergrande bắt đầu có những ảnh hưởng tới hãng xe điện Evergrande NEV (một công ty con của Evergrande). Hãng này này dù chưa bán xe ra thị trường nhưng có thời điểm có vốn hóa cao hơn cả công ty mẹ. Nhưng gần đây, cổ phiếu này tụt giảm hàng chục phần trăm sau khi có thông tin về việc ngừng trả lương cho nhân viên và ngừng thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị nhà máy.
Evergrande NEV từng được Evergrande tuyên bố sẽ vượt xa hãng xe điện số 1 thế giới là Tesla cho dù đến nay doanh thu vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Evergrande NEV đã huy động được hàng chục tỷ USD từ việc bán cổ phiếu và giá cổ phiếu tăng cả chục lần trong vòng một năm. Công ty được định giá lên tới 120 tỷ USD, gấp đôi so với công ty mẹ, và cao hơn các hãng ô tô truyền thống lớn như Ford và General Motors.
Với Bắc Kinh, việc duy trì các dự án xây dựng không chỉ quan trọng đối với sự tồn tại của Evergrande mà còn đối với những người mua nhà đã trả trước cho các căn hộ chưa được xây dựng. Việc tìm nguồn tiền để hoàn thiện các dự án dở dang là ưu tiên hàng đầu. Khả năng các chủ đầu tư khác vào tiếp quản được xem là một phương án. Sau khi hoàn thành, khoản tiền thu nốt sẽ giúp trang trải các khoản nợ.
Trong văn bản hướng dẫn mới nhất, cơ quan tài chính Bắc Kinh khuyến khích Evergrande tìm mọi cách để tránh vỡ nợ đối với trái phiếu ngắn hạn bằng đồng USD và tập trung hoàn tất các dự án còn dang dở, thanh toán tiền cho các nhà đầu tư cá nhân.
Theo Bloomberg, giới chức Bắc Kinh đang tìm hiểu thêm về chủ nhân của số trái phiếu bằng đồng USD mà Evergrande chưa trả được lãi.
Mặc dù Bắc Kinh chưa có nhiều động thái nhưng nhiều đánh giá cho rằng, chính quyền của ông Tập Cận Bình có lẽ không muốn để xảy ra một vụ vỡ nợ lộn xộn đe doạ ổn định xã hội và kinh tế.
Tính đến sáng 24/9 theo giờ châu Á, Evergrande vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào hay nộp bất kỳ hồ sơ nào lên Sàn chứng khoán Hong Kong về việc trả tiền lãi hơn 83 triệu USD cho khoản trái phiếu đáo hạn vào tháng 3/2022. Lợi tức của lô trái phiếu 2 tỷ USD mà Evergrande đã phát hành trước đó gần đây tăng vọt từ mức 10% hồi đầu năm lên 560%, sau khi giá trái phiếu sụt giảm.
Nếu không trả được tiền lãi trong vòng 30 ngày kể từ hạn thanh toán, Evergrande sẽ vỡ nợ với các loại trái phiếu nói trên.
V. Hà
'Bom nợ' Evergrande thời khắc nguy hiểm, Bắc Kinh vào cuộc giải cứu
Cơ quan chức năng của Trung Quốc vừa yêu cầu Evergrande tìm kiếm các giải pháp để tránh nguy cơ sụp đổ vỡ nợ trái phiếu và hoàn thành các dự án nhà ở.