Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một điểm dừng đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại. Những gì Mỹ đe dọa thực sự khốc liệt. Hai bên đã xuống nước nhưng dường như chưa thực sự có tiếng nói chung.

Vũ khí ngầm nguy hiểm: Donald Trump làm căng, Trung Quốc dọa kích hoạt

Khoảng lặng 90 ngày

Cuối cùng, cuộc gặp thu hút sự chú ý của toàn thế giới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 1/12 đã kết thúc với một thỏa thuận được thông qua: “đình chiến” thương mại trong 90 ngày.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, tổng thống Trump nhất trí sẽ chưa nâng thuế từ mức 10% lên 25% đối 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc theo kế hoạch đã vạch ra trước đó (áp dụng từ 1/1/2019). Thời gian tạm ngừng là 90 ngày.

Đây là thỏa thuận quan trọng và được xem là một cú phanh kịp thời trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc số 1 thế giới leo thang lên mức rất cao, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.

Trước cuộc họp ông Trump đã có một loạt tuyên bố cứng rắn: khẳng định tiếp tục kế hoạch tăng thuế; đe dọa đánh thuế tiếp lên lượng hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD; tuyên bố là “không biết có nên thỏa thuận (với Trung Quốc) hay không”; đưa cố vấn Peter Navarro, người viết cuốn Death by China (Chết bởi Trung Quốc) vào trong đoàn Mỹ tới G20,...

{keywords}
Ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump.

Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai tiếng được mô tả là tốt đẹp và kết thúc bằng những tràng pháo tay. Ông Trump và ông Tập Cận Bình đều đưa ra những đánh giá tốt đẹp.

Như vậy, cuộc họp quan trọng nhất trong nhiều năm qua giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã kết thúc. Về mặt truyền thông, hai bên đã có một món quà Giáng sinh tương đối ý nghĩa. Trung Quốc nói riêng và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thậm chí còn hưởng một cái Tết Nguyên đán sáng sủa hơn với những căng thẳng, lo ngại giảm bớt. 

Theo CNBC, để đạt được thỏa thuận “đình chiến”, Trung Quốc đồng ý mua một số lượng “rất đáng kể” (very substantial) các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ để giảm bớt sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước, vốn lên đến 375 tỷ USD hồi năm 2017.

Trung Quốc nhất trí bắt đầu thu mua các nông sản của nông dân Mỹ “ngay lập tức”.

Trong khi theo ngoại trưởng Trung Quốc, quyết định tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước cũng như của người dân Trung Quốc và Trung Quốc sẽ từng bước giải quyết những mối quan ngại chính đáng mà Mỹ đề nghị.

Hai bên Trung - Mỹ cũng quyết định khởi động đàm phán về thay đổi mang tính cấu trúc vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, tội phạm mạng,... Đây là những yêu cầu Mỹ đã đưa ra từ trước đối với Trung Quốc.

Vướng mắc còn nhiều, giông tố trước mắt

Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung có thể coi là kết quả hai bên cùng thắng sau khi Mỹ và Trung đều chịu những tác động tiêu cực từ khoảng thời gian leo thang không ngừng vừa qua. Thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo nhiều phiên, trong khi chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc, đồng Nhân dân tệ tụt giảm và dòng vốn có dấu hiệu tháo chạy.

Động thái hòa hoãn được xem là cần thiết, tạo thêm không gian và thời gian cho các cuộc đàm phán và thương lượng sắp tới.

Tuy nhiên, khoảng thời gian hoà hoãn được đánh giá là khá ngắn ngủi.

Nếu báo chí thế giới và Mỹ nhấn mạnh khá nhiều tới 90 ngày hòa hoãn thì tuyên bố của chính quyền và truyền thông Trung Quốc ít đề cập tới vấn đề này. Sau 90 ngày, “nếu đến hạn chót mà không đạt được thỏa thuận, thuế suất sẽ tăng thành 25%”, theo Nhà trắng.

{keywords}
Kế hoạch Made in China của Trung Quốc.

Những vấn đề cần đạt được thỏa thuận trong 90 ngày trên đều rất hóc búa, vốn là vướng mắc giữa hai nước nhiều năm qua chưa có lời giải, như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ,...  

Trong khi đó, theo giới quan sát, ngay cả những cam kết để đi đến một thỏa thuận “đình chiến” tạm thời cũng khá mơ hồ. Câu chữ của Trung Quốc không rõ ràng và không có sự ràng buộc. Trung Quốc không nói rõ sẽ nhập cụ thể bao nhiều hàng hóa là nông sản từ Mỹ.

Trên thực tế, theo nhiều đánh giá trước đó, vấn đề lớn nhất Mỹ quan tâm không hẳn là thâm hụt thương mại mà là sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc, đe dọa vị trí số 1 của Mỹ.

Nhiều năm qua, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc ép buộc doanh nghiệp các nước, trong đó có Mỹ, phải chuyển giao công nghệ cũng như vi phạm sở hữu trí tuệ để thực hiện khát vọng thống trị về công nghệ với kế hoạch “Made in China 2025”.

Thỏa thuận “đình chiến” được xem như một động thái mà Washington cho Bắc Kinh có thêm thời gian để quyết định xem chấp nhận bao nhiều phần trăm những yêu cầu mà chính quyền ông Trump đưa ra, nhất là vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Mặc dù đều có sự xuống nước nhất định, song, dường như cả hai bên đều không muốn lùi bước trước những lợi ích cốt lõi của mỗi quốc gia. Đó là vị trí số 1, là tầm ảnh hưởng trên thế giới trong tương lai. 

{keywords}
Cuộc chiến Mỹ Trung khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo.

Chưa biết sau 3 tháng, cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ tiếp tục như thế nào, hai bên có đạt được thỏa thuận hợp tác lâu dài hay sẽ chìm vào cuộc đối đầu nguy hiểm hơn. Nhưng cuộc đối thoại bên lề G20 ít nhất cũng mang tới tín hiệu tích cực ngắn hạn cho các thị trường tài chính quốc tế.

Thời gian tới, một loạt cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung có thể sẽ được tiến hành để giải quyết các vấn đề gai góc nhất trong quan hệ kinh tế hai nước. Nhiều khả năng, một trong hai bên phải xuống nước thực sự: hoặc Mỹ phải chấp nhận để Trung Quốc thách thức vị trí số 1; hoặc là Trung Quốc sẽ phải chấp nhận các vấn đề mà Mỹ cáo buộc, qua đó làm chậm lại tham vọng thống trị thế giới thời công nghệ 4.0.

Lập trường cứng rắn của ông Donald Trump và những người trong chính quyền của vị tổng thống này có thể sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ nếu các cuộc đàm phán trong vòng 3 tháng tới không đạt được kết quả cụ thể nào.

Tại G20, các nước cũng đạt được một thỏa thuận, nhưng thừa nhận hệ thống thương mại toàn cầu còn nhiều lỗ hổng và kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lần đầu tiên trong lịch sử G20 không đề cập đến vấn đề “chủ nghĩa bảo hộ” do phái đoàn Mỹ phản đối.

M. Hà

Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước

Gặp khó vì Donald Trump: Biểu tượng Trung Quốc tụt dốc, điều tồi tệ ở phía trước

Hàng loạt biểu tượng của Trung Quốc lao dốc. Kỷ nguyên tăng trưởng ngoạn mục dường như đã chấm dứt sau sự xuất hiện của ông Donald Trump. Một tầng lớp đang vật lộn với "giấc mơ Trung Quốc" và bị lựa chọn trở thành vật hy sinh.