Báo cáo của Chính phủ cho thấy, cả nước hiện có hơn 37.700 ô tô công nhưng phần lớn là xe đã quá cũ, gần 10.000 xe sử dụng trên 15 năm. Chính phủ yêu cầu siết chặt việc mua sắm xe công, trừ những trường hợp đặc biệt.
Hơn ¼ số xe đã sử dụng trên 15 năm
Báo cáo tài sản nhà nước năm 2015 vừa được Chính phủ hoàn thành cho thấy, tính đến hết năm 2015, tổng số xe ô tô công hiện có là hơn 37.700 chiếc, bao gồm xe phục vụ các chức danh lãnh đạo, xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng cứu thương, tập lái, xe tải,... Để sở hữu số xe này, ngân sách đã bỏ ra tổng cộng gần 23 nghìn tỷ (tương đường hơn 1 tỷ USD).
Trong số đó, lượng xe phục vụ công tác chung (chủ yếu là xe 4-8 chỗ), chiếm nhiều nhất với gần 24.000 xe và số tiền bỏ ra để mua là hơn 13,3 ngàn tỷ đồng.
Tính riêng năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước mua mới 653 xe với tổng nguyên giá gần 710 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi chiếc xe có giá khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Việc mua mới xe công sẽ được siết chặt thời gian tới. Ảnh: L.Bằng |
Ở Trung ương, số lượng xe mua mới trong năm ngoái chỉ là 81 xe, trong khi đó ở địa phương, số lượng xe sắm mới lại cao gấp 7 lần, với 572 xe.
“Số lượng xe mua mới chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập chưa có xe ô tô và thay thế số xe ô tô chuyên dùng đã hết thời hạn sử dụng”, Chính phủ trình bày trong báo cáo.
Qua thời gian dài sử dụng, giá trị còn lại của hơn 37.000 chiếc xe công kể trên chỉ còn lại khoảng hơn 6.700 tỷ đồng (xấp xỉ 35%).
Báo cáo của Chính phủ nhận định, điều này cho thấy phần lớn xe công đã sử dụng trên 2/3 thời gian. Bởi theo quy định, thời gian sử dụng của xe công là 15 năm, tỷ lệ hao mòn là 6,67%/năm.
Cụ thể đến thời điểm báo cáo, số xe ô tô công đã sử dụng trên 15 năm (quá thời gian tính hao mòn) là 8.200 chiếc trên tổng số hơn 37.000 xe công.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị chỉ thực hiện mua sắm đối với xe ô tô chuyên dùng trong định mức được duyệt; không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung (trừ mua xe cho đơn vị mới thành lập và do các nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác).
Phải bồi hoàn nếu để lãng phí tài sản công
Chính phủ đánh giá, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã có những chuyển biến tích cực, quy trình xử lý tài sản được quy định chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch...
Tuy nhiên, một trong những hạn chế được Chính phủ nhìn nhận, là sự phân định giữa chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Cho nên các Bộ, ngành, chính quyền địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, vừa thực hiện các nghiệp vụ mang tính chất dịch vụ như tổ chức bán, thanh lý, mua sắm tài sản,...
Đặc biệt, Chính phủ đánh giá việc sử dụng tài sản công ở một số nơi “còn lãng phí, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra”.
Nhắc đến các phong trào đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa, cảng biển của một số địa phương, Chính phủ cho hay những những khoản đầu tư này “vượt quá nhu cầu cần thiết”.
Báo cáo đánh giá, những công trình này có tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí.
Để quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiệu quả, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, xác định xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới, đảm bảo tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan.
Trả lời PV.VietNamNet mới đây, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài sản công (Bộ Tài chính) khẳng định: “Chúng tôi xác định, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là biện pháp căn cơ để khắc phục tình trạng sử dụng tài sản lãng phí”.
Ông Thịnh cho biết dự luật cũng đưa ra một chế tài mới là đối với hành vi vi phạm luật về tài sản công, người vi phạm phải bồi hoàn cho Nhà nước phần giá trị gây ra lãng phí, thiệt hại. Sau đó mới đến xử lý hình sự, hay xử lý hành chính, kỷ luật thực hiện theo quy định liên quan.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng giá trị tài sản nhà nước đến ngày 31/12/2015 là hơn 1 triệu tỷ đồng; trong đó tài sản là quyền sử dụng đất hơn 700 ngàn tỷ đồng, tài sản là nhà hơn 254 ngàn tỷ đồng, tài sản là ô tô gần 23 ngàn tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên trên 1 đơn vị tài sản là 53,8 ngàn tỷ đồng. |
Lương Bằng