- Tập đoàn Volkswagen (Đức) đang có kế hoạch xây dựng cơ sở lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam. Thông tin rò rỉ giữa lúc Volkswagen dính thảm họa gian lận khiến mọi người tò mò.
Các nguồn tin cho biết, Volkswagen đang làm việc với Tập đoàn Phú Thái để thực hiện kế hoạch này. Volkswagen đã chỉ định Tập đoàn PON của Hà Lan hỗ trợ Phú Thái thực hiện các nghiên cứu thị trường để thâm nhập Việt Nam vào năm sau.
Việc Volkswagen đến Việt Nam khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á đang giảm dần về 0% vào 2018, lợi thế không còn, thì liệu Volkswagen muốn xây dựng cơ sở lắp ráp ở Việt Nam hay chỉ bán hàng?
Một số DN ôtô cho biết, thời gian qua,Volkswagen đã đến tìm hiểu với mong muốn hợp tác sản xuất lắp ráp ô tô.
Volkswagen là tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, sở hữu hàng loạt các thương hiệu xe nổi tiếng như Volkswagen, Audi, Bentley, Lamborghini... Tại châu Á, Volkswagen phát triển mạnh ở thị trường Trung Quốc và có nhiều cơ sở sản xuất xe, linh kiện tại đây. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, đến nay, Volkswagen chưa có cơ sở nào.
Volkswagen là tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, sở hữu hàng loạt các thương hiệu xe nổi tiếng. |
Thị trường ôtô Việt Nam hiện đang có mức tăng trưởng mạnh, trên 40%/năm. Người Việt Nam rất yêu thích các thương hiệu xe Đức, vốn nổi tiếng về chất lượng, sự sang trọng, hiện đại và có tính thẩm mỹ cao.
Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 với ô tô và tới 2024 mới chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Vì vậy, không đòi hỏi phải đầu tư công nghệ cao. Hơn nữa, sản xuất láp ráp xe tại Việt Nam, nếu đạt các điều kiện, có thể xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á, được hưởng các ưu đãi về thuế theo AFTA.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ mục đích chính của Volkswagen có lẽ chỉ lắp ráp giản đơn tại Việt Nam, để hưởng lợi thế về thuế nhập khẩu. Hiện tại, xe của Volkswagen muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, chỉ theo con đường nhập khẩu nguyên chiếc và chịu mức thuế suất khá cao, gần 70%.
Trong khi đó, nếu đầu tư 1 cơ sở láp ráp xe, với 4 khâu cuối là hàn, sơn, kiểm định và lắp ráp, chi phí không lớn, đã được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện ở mức 25%. Còn đầu tư cho dây chuyền lắp ráp giản đơn, với độ rời rạc của bộ linh kiện nhập thấp hơn, tuy phải chịu mức thuế cao hơn 25%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Việc lắp ráp xe Volkswagen tại Việt Nam cũng không lo ngại bị tác động, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Đông Nam Á, giảm về 0% vào năm 2018. |
Các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô nhận định, với mức độ lắp ráp giản đơn, thì ban đầu Volkswagen chỉ có thể lắp ráp xe sang có giá trị cao, mới đem lại hiệu quả.
Tại Việt Nam, hiện đã có DN FDI ô tô làm cách này, là Mercedes-Benz, với dòng xe sang S-Class. Cuối năm 2013, Mercedes-Benz Việt Nam đã tiến hành lắp ráp mẫu S500 L tại nhà máy ở tp Hồ Chí Minh. Với việc lắp ráp trong nước, đã giúp S500 L có giá bán chỉ còn 4,639 tỷ đồng, giảm 1,25 tỷ đồng so với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
S-Class dùng một platform hoàn toàn khác so với tất cả các mẫu xe mà Mercedes-Benz đang lắp ráp tại Việt Nam. Lắp ráp S-Class trong nước, đồng nghĩa với việc Mercedes-Benz Việt Nam sẽ phải đầu tư một dây chuyền mới, trong khi đó dòng xe cao cấp này lại không có lượng tiêu thụ đủ lớn. Mercedes-Benz Việt Nam không tiết lộ vốn đầu tư để lắp ráp S-Class, chỉ cho biết, sẽ không làm như vậy, nếu không hiệu quả.
Tuy nhiên, những ai đã vào nhà máy của Mercedes-Benz Việt Nam khi đó, đều có nhận xét, dây chuyền này khá giản đơn.
Việc S-Class được lắp ráp trong nước với giá bán giảm mạnh có thể nói là một bước đi khá “ngoạn mục” của thương hiệu xe sang đến từ nước Đức, trong bối cảnh phân khúc xe sang cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Với việc giảm giá S-Class thông qua lắp ráp, Mercedes-Benz Việt Nam đã làm khó các đối thủ cạnh tranh như BMW với dòng 7-Series, Audi với A8 và Lexus với dòng LS, là các thương hiệu xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Có lẽ Volkswagen sẽ đi theo hướng này để cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc xe sang. Theo các nguồn tin, sau khi nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch, sẽ có 6 mẫu xe của Volkswagen có triển vọng lắp ráp tại Việt Nam. Doanh số bán ra của 6 mẫu xe này dự kiến năm 2016 là 1.600 chiếc và đến 2020 đạt khoảng 6.800 chiếc cho cả thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Như vậy có thể nói sản lượng khá thấp.
Việc lắp ráp xe Volkswagen tại Việt Nam, theo nhận định, cũng không lo ngại bị tác động, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Đông Nam Á, giảm về 0% vào năm 2018. Bởi là xe sang, phục vụ đối tượng khách hàng giàu có, nên không ngại xe nhập giá rẻ cạnh tranh. Bên cạnh đó, các thương hiệu xe sang đến nay chưa có cơ sở lớn nào tại Đông Nam Á, vì vậy cũng không lo bị cạnh tranh mạnh trong khu vực.
Trần Thủy