Với hơn 50.000 xe hơi được sản xuất từ những năm đầu thế kỷ XX còn đang lưu hành, Cuba xứng đáng là “thiên đường xe cổ” của thế giới. Bất cứ ai đến Cuba đều bị ngỡ ngàng trước số lượng lớn xe hơi nhẽ ra nên nằm trong bảo tàng hay trở thành sắt vụn nhưng vẫn “tung tăng” trên đường. Ngoài xì gà, rượu rum, biển, thì xe hơi ở Cuba cũng là một “nét đẹp” đáng để chiêm ngưỡng và tìm hiểu.
Người dân Cuba nhìn thấy chiếc xe hơi lần đầu tiên vào năm 1898 bởi một nhà tư sản mua từ Pháp về với ý định kinh doanh. Lúc đó, chiếc xe chỉ đi được hơn 10km/h này đã trở thành một sự kiện, đến nỗi người ta đã tổ chức hẳn một bữa tiệc hoành tráng ở thủ đô La Habana để ăn mừng.
Mãi đến năm 1913, Chính phủ Cuba lúc bấy giờ mới nhập hàng loạt xe Ford của Mỹ. Hàng nghìn chiếc xe đã được nhập, của nhiều hãng, nhưng chủ yếu vẫn là Ford và Chevrolet. Hiện nay ở Cuba, có nhiều xe nếu mang đi kiểm tra thì có lẽ nó trị giá hàng triệu đôla, bởi giá trị “cổ”.
Sau khi cách mạng thắng lợi, Cuba được Liên bang Xôviết bảo trợ toàn diện về kinh tế, quân sự, thì rất nhiều Lada, Volga, Moscovich… đã được nhập và vẫn còn hoạt động được cho đến ngày nay.
Thoạt nhìn những chiếc xe cũ kỹ, ọp ẹp chạy ầm ầm trên đường phố Cuba, ai cũng tự hỏi rằng tại sao chúng vẫn còn được phép lưu hành? |
Bị Mỹ cấm vận suốt hơn 50 năm, rồi sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, nền kinh tế Cuba tưởng chừng như không thể vực dậy vào suốt những năm thập niên 90 của thế kỷ trước và cho đến tận khoảng các năm đầu thế kỷ XXI. Trong một thời gian dài, Chính phủ Cuba đã phải ngưng gần như toàn bộ việc nhập khẩu từ các nước khác, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và đưa ra những kế hoạch nhằm khôi phục nền kinh tế kiệt quệ. Đây là một trong những câu trả lời cho những chiếc xe cổ hiện đang hoạt động ở Cuba.
Lý do thứ hai là, Chính phủ Cuba luôn quản lý một cách chặt chẽ việc đăng ký các phương tiện giao thông. Do đó người dân chỉ có thể mua bán xe theo kiểu trao tay với nhau trong nước và không được phép mua từ bên ngoài.
Chỉ một số trường hợp đặc biệt được phép mua xe, đó là bác sĩ và vận động viên người Cuba làm việc và thi đấu ở nước ngoài. Những người này sẽ được chính phủ cấp cho một giấy phép để mua xe ở các cửa hàng của nhà nước và đăng ký tên chính chủ. Đa số những xe được bán ở đây đều là xe đã qua sử dụng được tân trang lại và bán với giá tương đối rẻ. Để mua được xe ở Cuba, người xin mua xe phải chứng minh được rằng nguồn tiền ở đâu ra, rồi tiếp theo là phải có bằng lái xe và ở khu dân cư người đó có vi phạm pháp luật gì không. Chưa hết, nếu người xin mua xe bị xử phạt vì vi phạm Luật Giao thông thì còn phải xem thời hiệu của “mức án” ấy còn hay hết? Sau khi thỏa mãn các điều kiện ấy thì được cấp giấy mua xe.
Được “đặc ân” như vậy nhưng không phải ai cũng mua xe. Lý do thì nhiều… Do đó có nhiều người bán giấy phép được cấp với giá cao hơn một chút và thế là họ có tiền để làm việc khác như sửa nhà, mua sắm đồ dùng cần thiết. Và cũng bởi vì không phải người nào cũng có tiền để trang trải tiền xăng khi mà tiền lương cao nhất ở Cuba là 60USD/ tháng. Vì thế, bán giấy phép mua xe cũng được coi là một trong những mánh khóe kiếm tiền ở Cuba.
Xe Volkswagen sản xuất năm 1960 còn lưu thông ở Cuba |
Việc bán giấy phép mua xe tạo ra rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng khi kiểm tra giấy tờ xe.
Tháng 12 vừa rồi, lần đầu tiên trong vòng 50 năm qua, Chính phủ Cuba cho phép người dân được mua bán xe tự do. Nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước.
Đây là một bước đi nữa trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế tư nhân, tạo cơ hội làm giàu cho người dân.
Cách đây khoảng 20 năm, ở Cuba chỉ có người nước ngoài, không kể sinh viên, nhân viên ngoại giao hay doanh nghiệp mới được phép mua xe, nhập xe. Nhưng chỉ được một thời gian thì việc này bị cấm hoàn toàn. Bởi vì có nhiều người nước ngoài đã làm giàu bằng việc mua xe từ nước ngoài rồi bán cho người bản địa.
Trở lại chuyện xe cổ, hiện nay hầu như tất cả các xe hơi đang hoạt động ở Cuba đều được sản xuất bởi Mỹ từ những năm 30, 40, 50. Xe của Liên Xô cũ chiếm khoảng 30%, còn lại số ít là xe hiện đại bây giờ.
Mỗi tỉnh ở Cuba đều có một câu lạc bộ xe hơi cổ. Đây là nơi tụ họp của những chiếc xe không những cổ nhất mà còn phải nguyên vẹn nhất như từ khi xuất xưởng. Hiện nay, những câu lạc bộ này đang lưu giữ một lượng lớn xe hơi cổ mà không nước nào trên thế giới có, tiêu biểu như chiếc Cadillac năm 1905 được mệnh danh là “báu vật quốc gia”.
Những câu lạc bộ này được quản lý bởi Văn phòng Sử học thành phố La Habana. Văn phòng này có quyền cho phép sửa chữa, thay thế những chiếc xe cổ hay không. Và việc buôn bán là hoàn toàn không tồn tại. Câu lạc bộ xe cổ hiện đang quản lý 431 chiếc xe (số liệu năm 2008). Sáng Chủ nhật, câu lạc bộ tổ chức diễu hành xe cổ ở La Habala. Những ai tham gia câu lạc bộ này phải tuân thủ một nguyên tắc là muốn sửa chữa, thay thế bất cứ một loại phụ tùng gì cũng phải xin giấy phép và chỉ được thực hiện khi được đồng ý.
Là xe cổ nên việc sửa chữa, thay thế phụ tùng gặp nhiều khó khăn bởi vì bây giờ chẳng có nơi nào còn sản xuất những loại xe như thế, cho nên muốn thay một bộ phận cho xe là cả một quá trình dài và tốn nhiều công sức.
Một điều rất thú vị ở Cuba, đó là bất cứ ai có xe đều trở thành thợ. Đối với người dân Cuba, chiếc xe ôtô là cả một tài sản lớn, họ dành rất nhiều công sức tiền của vào chiếc xe.
Có nhiều xe ở Cuba nhìn bên ngoài thì là xe cổ nhưng máy bên trong lại là của xe hơi hiện đại như Hyundai, Mitsubishi, Toyota… Và ai cũng cố lắp máy chạy dầu vì tiết kiệm hơn và cũng… dễ mua lậu ở ngoài hơn.
Tuy là chắp vá như thế nhưng một chiếc xe sản xuất ở Mỹ những năm 50 không bao giờ có giá dưới 5.000USD, còn các dòng xe của Nga thì đắt hơn một chút, từ 7.000USD trở lên. Và gần như gia đình nào ở Cuba cũng có ôtô.
Xe ôtô ở Cuba, không những là phương tiện để đi lại mà trong nhiều hoàn cảnh, nó lại trở thành nguồn thu chính của một gia đình. Nhiều người có xe cho thuê chạy liên tỉnh với giá 40-60USD/ngày, như vậy một tháng họ có thể thu về gần 2.000USD, một số tiền không hề nhỏ với đại đa số người dân Cuba. Ngoài ra nhiều người còn tranh thủ buổi tối làm tài xế taxi.
Do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nên rất nhiều người có học vị cao, làm việc tại các trường đại học, bệnh viện lớn vẫn đi lái taxi vào buổi tối. Công việc này đem lại một khoản thu nhập không hề nhỏ, thậm chí hơn nhiều lần so với đồng lương nhà nước trả cho họ.
Bất cứ ai từng học tập ở Cuba chắc chắn không bao giờ quên cảnh đi xe khách, người thì chê bai, nhưng cũng có người coi đó như một trải nghiệm thú vị trong đời.
Cảnh người xin đi nhờ xe ở La Habana |
Ở Cuba có hai loại phương tiện công cộng chính, đó là xe bus và xe khách. Xe khách chủ yếu là của tư nhân, trong hai năm gần đây nhà nước bắt đầu có những biện pháp để quản lý số xe này, tránh việc ép giá và đảm bảo an toàn cho người đi xe.
Xe bus liên tỉnh ở Cuba thì chủ yếu là do Trung Quốc bán rẻ cho, đa số là những xe đã qua sử dụng được sửa sang lại. Để lấy được vé xe bus, phải ghi tên vào list trước khoảng 2 tuần, nhiều khi có tên nhưng đến ngày đi lại không mua được vé. Do đó, nhiều người đã chọn giải pháp mua lậu ở ngoài hoặc đi xe khách, tốn tiền hơn một chút nhưng được việc. Tất nhiên ai cũng cố gắng đi xe bus vì thoải mái hơn.
Còn xe bus trong thành phố ở Cuba thì có nhiều loại. Người dân Cuba đi xe bus rất nhiều, cũng có cảnh chen chúc trên xe, nhưng ở bến thì không chen lấn xô đẩy. Ở các thành phố lớn, có xe bus lạc đà, đây là một loại xe chế, có thể chứa được vài trăm người. Nó có tên là xe lạc đà bởi vì ở giữa xe là một ống cao su nhô hẳn lên như cái u của con lạc đà.
Đi xe khách tư nhân có cái lợi là nhanh, tài xế sẵn sàng đưa khách đến tận cửa nhà. Nhưng lại không thoải mái, thứ nhất vì không phải xe nào cũng có điều hòa, một chiếc xe cũ kỹ đáng ra chỉ ngồi được 4 người thì tài xế luôn nhồi thêm thành 6 người. Nếu hành khách đều là người gầy thì còn thoải mái, chứ gặp ai to béo ục ịch thì… đúng là một cực hình.
Một nét chung mà Cuba và các nước châu Mỹ Latinh đều có, đó là tài xế lái xe luôn mở toang hết cửa sổ và bật nhạc thật to. Nhiều sinh viên nước ngoài lúc đầu không quen nhưng đi mãi thành thích, không thấy có nhạc là lại nhớ. Nhiều xe ôtô ở bên trong lại được “chế” như một sàn nhảy với đủ các thứ đèn và màn hình…
Ở Cuba không bao giờ có tắc xe, không có kiểu phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách và nhiều trò như ở Việt Nam. Có được điều này là do ý thức của người dân Cuba khi tham gia giao thông.
Người dân Cuba chấp hành luật giao thông một cách nghiêm chỉnh, cảnh sát giao thông ở Cuba chủ yếu làm việc kiểm tra các xe có nghi vấn chứ không bao giờ phải tuýt còi dừng xe vì chạy quá tốc độ. Mà cũng không có trò hối lộ cảnh sát, nếu phạm lỗi, bạn sẽ nhận được một phiếu nộp phạt và phải đến đồn công an gần nhất để trả tiền. Nặng hơn thì bị bấm lỗ bằng lái. Cảnh sát giao thông ở Cuba rất nghiêm và Cục Cảnh sát Giao thông của Bộ Nội vụ Cuba có cách quản lý cảnh sát, chống tiêu cực rất hay. Ấy là, khi cảnh sát ra hiệu lệnh dừng một chiếc xe nào, thì việc đầu tiên là phải gọi bộ đàm về trung tâm và thông báo rằng “Tôi... đã dừng chiếc xe mang biển... lái xe tên là...”. Tại trung tâm, sĩ quan trực sẽ thông báo ngay cho người cảnh sát về lý lịch chiếc xe và người lái xe. Rồi người cảnh sát phải nêu ngay lý do vì sao ra lệnh dừng xe và đã xử phạt thế nào.
Xe Lada của Liên Xô cũ còn rất nhiều ở Cuba |
Cũng phải kể đến việc quy hoạch của Cuba, tất cả các thành phố của Cuba đều được xây theo hinh bàn cờ rất rộng rãi, tạo thuận lợi khi di chuyển cho người tham gia giao thông, tránh gây ách tắc. Ở ngay giữa thủ đô La Habana, có đường lớn chạy từ đầu này tới đầu kia của thành phố và khi đi trên đường này, xe ôtô phải chạy từ 60 đến 100km/h.
Người dân Cuba có một thói quen rất hay, đó là xin đi nhờ xe. Bạn có thể dừng ở bất cứ chỗ nào có đông phương tiện qua lại, thường thì là chỗ dừng đèn đỏ và xin đi quá giang một đoạn. Sẽ không ai đòi tiền, nếu tiện thì họ sẽ mở cửa và đưa bạn đi ngay. Đa số người xin đi nhờ là sinh viên tỉnh khác hay những người đi làm nhưng không có phương tiện. Thật ra, chuyện xin đi nhờ xe này là cũng mới có từ những năm 90. Khi Liên Xô sụp đổ, nguồn xăng dầu cấp cho Cuba hầu như không còn, khó khăn bộn bề chồng chất… Trước tình cảnh ấy, Chính phủ Cuba ra lệnh tất cả các lái xe - đặc biệt là lái xe công - phải có trách nhiệm cho người khác đi nhờ xe trên cùng tuyến đường. Thậm chí, cảnh sát giao thông còn “phục kích”, bắt những lái xe nào cố tình từ chối người xin đi nhờ. Lâu dần, việc xin đi nhờ xe đã trở thành một nét văn hóa giao thông mà chẳng quốc gia nào trên thế giới có.
Hiện nay, không những chỉ người dân Cuba đã có thể mua bán tự do xe hơi, xe máy mà còn cả người nước ngoài đang sống, tức là có giấy phép cư trú và người nước ngoài đang làm việc ở Cuba. Tuy nhiên, với giá cả hiện nay thì có nhiều người sẽ không mua được chiếc xe mong muốn.
Ví dụ như cửa hàng tư nhân chuyên bán xe Peugeot ở thủ đô La Habana bán một chiếc xe Peugeot Expert Tepee năm 2013 là hơn 220.000USD?! Trong khi đó ở châu Âu, chiếc xe này được bán với giá 20.000 euro.
Việc mở cửa thị trường mua bán xe tư nhân là một bước đi lớn của Chính phủ Cuba nhằm phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ hội cho tư nhân làm chủ. Tuy nhiên hiện nay mới là bước thử nghiệm, chỉ một vài nơi được mở cửa hàng tư nhân. Một phần tiền thu được từ việc bán xe sẽ được dùng để phát triển phương tiện giao thông công cộng.
Cuba đang có những bước đi “rụt rè” trong cải cách kinh tế. Cuba đang mở cửa, nhưng không mở toang cho thế giới ùa vào… Mà họ chỉ mở “hé” và họ đang thực hiện theo phương châm: Chậm nhưng chắc và an toàn.
Theo PetroTimes