- Nhiều đơn vị tặng voucher mua sắm đánh đố, giỡn mặt khách hàng khi đa số voucher đều rất khó sử dụng, khiến khách hàng nhiều phen xấu mặt và trở nên ác cảm với quà tặng.

Là khách VIP của một trung tâm mua sắm vào hạng đẳng cấp ở thủ đô, được tặng một đống voucher lên tới gần 5 triệu đồng nhưng chị Nguyễn Thu Thủy (Xã Đàn, Hà Nội) lại tỏ ra thất vọng vì không thể mua được gì với sấp thẻ ưu đãi này. 

Chị Thủy cho hay, nhân dịp chương trình bán hàng giảm giá đặc biệt chỉ mời khách VIP, chị là một trong những người được mời và tặng thẻ giảm giá. Sau khi kiểm tra số voucher, chị vui mừng khi tính nhẩm cũng gần 5 triệu đồng như voucher hãng mỹ phẩm 1 triệu đồng, ba bốn thẻ của nhãn hàng thời gian có mệnh giá từ 200.000 đến 500.000 đồng, chưa kể tới các loại thẻ 100.000 đồng của một số gian hàng khác.

Hồ hởi như vậy khi bước vào một gian hàng mỹ phẩm, chị như bị dội gáo nước lạnh khi thanh toán nhân viên bán hàng cho hay những sản phẩm của chị không thể dùng được voucher này. Chị cho hay: “Đúng là lúc đó mình cảm thấy vừa bực mình vừa xấu hổ, hóa ra các voucher này đều ghi rõ không áp dụng với các chương trình khuyến mại khác như vậy chỉ dùng vào mua các sản phẩm dắt tiền, còn các chương trình giảm giá 50% thì không được, như vậy chẳng khác nào đánh đố người mua hàng”.

{keywords}
Voucher giảm giá nhưng khó dùng (Ảnh minh họa)

Xem lại các voucher chị ngã ngửa khi thấy các quy định đều chặt chẽ và khó có thể dùng được như thời gian áp dụng chỉ một ngày duy nhất từ 19-21 giờ trong ngày hay không áp dụng với các chương trình khuyến mại khác, thậm chí là một đống phiếu miễn phí gửi xe cũng chỉ được áp dụng trong 1 thời điểm duy nhất. “Nói là được tặng gần 5 triệu đồng mà thực tình chẳng mua được gì”, chị buồn rầu.

Cũng là một khách hàng VIP, anh Trần Duy An (Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên nhận được các voucher nhưng hầu như anh không thể dùng được. Như mới đây, anh nhận được một voucher tặng 1 đêm nghỉ tại khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Đà Nẵng. Trong chuyến du lịch của gia đình, anh An định book phòng tại đây nhưng khi liên hệ với nhân viên của resort anh mới ngã ngửa khi biết rằng voucher không dùng cho các chương trình giảm giá khác. 

Như vậy, để dùng được voucher này anh phải book phòng với giá hơn 6 triệu đồng/đêm, trong khi đó trên website của resort đang có chương trình khuyến mại dành cho khách đặt sớm chỉ hơn 3 triệu đồng/đêm.Tính ra, nếu anh đặt trực tiếp không cần voucher vẫn có mức giá rẻ hơn.

“Những kiểu voucher như này thà không có còn hơn. Chính ra, mấy thẻ mua hàng chỉ 100.000-200.000 đồng tại các siêu thị lại có ích hơn”, anh nói.

Theo anh An, các loại thẻ này chỉ mang tính hình thức tượng trưng bởi cái lợi mà khách hàng được hưởng như phiếu quà tặng, tương đương chiết khấu từ 2-5%/tổng giá trị mua hàng cộng dồn cả năm... đều đã được trích ra từ tổng số tiền khách mua từ chục triệu đồng/năm trở lên.

{keywords}
Khách VIP cũng từng gặp quả hớ vì voucher. (Ảnh minh  họa)

Từng gặp quả hớ khi dùng voucher, chị Thúy Ngân (nhân viên truyền thông công ty ở Ba Đình) cho hay, ngày nào mình cũng nhận được một đống voucher giảm giá nhưng hiếm khi dùng được. Như thẻ quà tặng tại một nhà hàng vừa được tặng chỉ được dùng 1 thẻ trị giá 100.000 đồng trong một hóa đơn thanh toán và chỉ áp dụng khi đặt một số món ăn, tính ra tổng số 1 triệu đồng của chị không thể dùng hết một lúc, trong khi thời hạn có 1 tháng. Hay như thẻ tặng 1 đồ uống tại nhà hàng mà chị được tặng mới đây cũng không dùng được vì món ăn thường đắt gấp mấy lần so với bên ngoài.

Theo chị Ngân, các điều khoản voucher như đánh đố khách hàng như chỉ áp dụng vào ngày giữa tuần, thậm chí là nửa đêm. Còn các loại thẻ tích điểm mua sắm thì phải có tổng chi lên tới hàng chục triệu đồng mới được tặng hay giảm giá 100 nghìn đồng. Một số loại voucher đặt phòng khách sạn cũng tương tự như chỉ dùng được vào mùa thấp điểm hay ghi tên người sử dụng không thể tặng hay chuyển nhượng.

Phản tác dụng

Việc tặng các voucher, thẻ quà tặng của nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đã và đang thực hiện các chiến lược kinh doanh nhằm kích cầu mua sắm, đồng thời “giữ chân” khách hàng. Tuy nhiên, với những điều kiện ràng buộc thì người tiêu dùng thậm chí là khách VIP chưa hẳn đã nhận được những ưu đãi thực sự.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty truyền thông Vietgate chia sẻ, ông cũng từng nhận được nhiều ưu đãi giảm giá tới 30-50% khi đi mua sắm do là khách VIP của ngân hàng X. nhưng tới nơi ông có cảm giác như bị lừa vì ai cũng được ưu đãi như vậy. Theo quan điểm của ông Hùng, truyền thông, quảng cáo hay khuyến mãi phải luôn trung thực nếu không thì có tác dụng ngược.

Bà Nguyễn Thị Hà Anh, phụ trách marketing của một nhãn hàng thời trang cho rằng, việc đưa ra các voucher không đúng lúc, không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng có thể gây tác dụng ngược. 

“Người mua hàng họ thường thích thú với các thẻ quà tặng, voucher giảm giá nhưng họ cũng rất dị ứng với các loại thẻ đánh đố. Như vậy, nhãn hàng không chỉ mất tiền in voucher, lên kế hoạch thực hiện và điều quan trọng là mất niềm tin của khách hàng. Các khách hàng VIP họ rất khó tính, chỉ cần một lần sơ xảy có thể gặp rắc rối nay”, chị cho hay.

Theo tư vấn của chị, trước khi áp dụng các loại thẻ này, các đơn vị cần phải nghiên cứu thật kỹ nhu cầu của người tiêu dùng cũng như lợi ích họ được hưởng khi dùng voucher này và nhãn hàng sẽ được gì. 

Về phía người tiêu dùng, bà Hà Anh cho rằng, cần đọc kỹ các thẻ voucher ngay cả khách hàng VIP nếu chủ quan không đọc các điều khoản vẫn có thể gặp rắc rối.

Khánh Chi