- Trong khi vấn đề thu ngân sách và thâm hụt ngân sách đã trở thành vấn đề nóng thì có ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu đã làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến việc thu ngân sách.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội,  cho biết, theo báo cáo của NHNN, chênh lệch thu chi của toàn hệ thống các TCTD trong 9 tháng 2015 ước đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tăng hơn 870 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, tổng chi thực hiện nghĩa vụ với NSNN là 6.322 tỷ đồng, chỉ giảm 80 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Từ đó cho thấy việc giảm lợi nhuận của các TCTD không phải là nguyên nhân giảm thu NSNN và tăng bội chi.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về các con số này?

- Tỷ lệ nợ xấu đến 30/9/2015 chỉ còn 2,93%. Để đạt được kết quả trên, việc trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu là một trong những giải pháp quan trọng của Đề án xử lý nợ xấu được phê duyệt và nằm trong khả năng của TCTD, đặc biệt khi mà việc xử lý nợ xấu không sử dụng tiền của NSNN. Trong 9 tháng qua, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro 54.376 tỷ đồng, tăng 13.047 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. Mặc dù tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nhưng chênh lệch thu chi của toàn hệ thống các TCTD vẫn ước đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tăng 3,21% so với cùng kỳ năm 2014.

{keywords}

Ông Bùi Đặng Dũng

Tôi được biết, tổng tài sản có và dư nợ tín dụng của các TCTD tăng khá trong 9 tháng 2015, trong đó tổng tài sản tăng 11,5% và dư nợ tín dụng tăng 12,1% dẫn đến chênh lệch thu chi từ hoạt động tín dụng tăng 15.452 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí dự phòng rủi ro.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ tăng khá cao (23,74%) so với cùng kỳ năm 2014. Đây là xu hướng tích cực và là kết quả của cơ cấu lại hoạt động của các TCTD theo hướng giảm bớt mức độ phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hoạt động tín dụng, đa dạng hoá hoạt động kinh doanh, giảm dần “độc canh” tín dụng và phát triển mạnh mảng dịch vụ.

Bên cạnh việc tăng nguồn thu nhập, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, các TCTD đã nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chi phí; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao cho cán bộ. Nhiều cổ đông của TCTD đã đồng thuận tự nguyện không chia hoặc chấp nhận cổ tức lợi ở mức thấp hơn để tạo nguồn tài chính cho xử lý nợ xấu.

Nhờ đó, các TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro nhưng vẫn bảo đảm ổn định lợi nhuận và mức đóng góp cho NSNN.

Tuy nhiên, khả năng sinh lời của các TCTD có chiều hướng giảm và ở mức thấp so với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Trong 9 tháng đầu năm 2015, ước tính tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/tài sản có chỉ đạt 0,49% (cùng kỳ năm 2014 là 0,51%) và tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu đạt 5,48% (cùng kỳ năm 2014 là 5,49%).

Trước mắt, xử lý nợ xấu không ảnh ưởng đến thu ngân sách. Tuy nhiên, về dài hạn ông có kỳ vọng gì về việc NH tăng đóng góp NSNN khi nợ xấu được xử lý?

- Hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu bằng mọi cách nhưng không bằng mọi giá và sẵn sàng chia sẻ lợi ích ngắn hạn.

Việc NHNN khuyến khích và tạo điều kiện cho TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro là quan điểm quản lý an toàn hệ thống và quản trị kinh doanh phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tăng chi phí dự phòng nhưng vẫn phải bảo đảm mức lợi nhuận thích hợp cũng là đòi hỏi từ phía cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và là động lực để thúc đẩy các TCTD sáng tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh.

Việc chia sẻ lợi ích trong ngắn hạn là cần thiết để tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển an toàn, hiệu quả bền vững trong tương lai, đặc biệt khi mà điều kiện kinh tế được cải thiện hơn và các khoản nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro có thể thu hồi được sẽ làm tăng lợi nhuận trong tương lai. Khi đó, các TCTD có điều kiện nộp thuế nhiều hơn.

Về triển vọng trung và dài hạn, tôi tin tưởng thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và các TCTD nói riêng sẽ tăng lên nhờ triển khai có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Tổng thu NSNN năm 2015 ước đạt 927.500 tỷ đồng, vượt dự toán 16.400 tỷ đồng. Dù thu NSNN tăng khá nhưng chi NSNN còn tăng mạnh hơn thu NSNN làm cho bội chi NSNN tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, tổng thu NSNN lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 đạt 683 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; Tổng chi NSNN luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 823.970 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014; Bội chi NSNN lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 ước 140.970 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2014 khoảng 126.000 tỷ đồng).

Nguyên nhân của bội chi NSNN trong 9 tháng đầu năm 2015 chủ yếu do thu NSNN tăng chậm, đặc biệt là thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán, hụt 63.000 tỷ đồng giảm (-34,8%), thu xuất nhập khẩu tăng chậm (+0,4%) và tình hình huy động vốn của NSNN gặp nhiều khó khăn (KBNN huy động chỉ đạt 51% kế hoạch năm) trong khi các khoản chi NSNN vẫn theo kế hoạch, dự toán hoặc đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ NSNN cho các lĩnh vực đều tăng.

Xin cảm ơn ông

Minh Phương (thực hiện)