Từng khai tử hai hãng tư nhân, trải qua không ít nhiêu khê chuyển đổi tâm lý người tiêu dùng, thị trường hàng không giá rẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ, kéo theo cuộc cạnh tranh khắc nghiệt…
Số liệu công bố tại Singapore Airshow 2014 cho thấy hàng không giá rẻ thực sự là một thế lực lớn ở Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam đã qua giai đoạn “nằm gai nếm mật”, đang chực chờ tăng tốc. Một khi thị trường chuẩn bị có sự tăng trưởng quá nóng, tức cuộc chơi lớn đã bắt đầu được kích hoạt. Áp lực cạnh tranh không chỉ gói gọn giữa các hãng trong nước với nhau mà còn đến từ tham vọng bành trướng của các hãng khác trong khu vực.
Từ bài toán chiếc bánh nội địa…
Tại Việt Nam, một nghịch lý vẫn thường được nhắc đến khi bàn chuyện ngành hàng không chính là người Việt thu nhập thấp hơn các nước, nhưng chi phí sử dụng dịch vụ bay lại cao hơn. Sở dĩ có nhận định này là do ở các nước trong khu vực, hàng không giá rẻ đang chiếm tỉ trọng 50-70% thị phần nội địa, trong khi tỉ lệ này tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mới ở mức trên dưới 30%.
Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều “đất” cho các hãng giá rẻ khai thác, nhất là khi số lượt khách bay nội địa trong 2014 đã lên đến 18 triệu lượt. Theo đó, phần chia trong chiếc bánh nội địa phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động của hãng hàng không trong cuộc chiến về giá, cũng như các sáng kiến trong việc tích hợp với các “giá trị mềm” về chất lượng dịch vụ.
Vẫn còn rất nhiều “đất” cho các hãng giá rẻ khai thác |
…đến sức ép “bầu trời mở”
Khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN chính thức đi vào hoạt động, sự thông thoáng trong các quy định miễn thị thực, cùng sức ép “bầu trời mở” khiến các hãng hàng không lớn bắt đầu chuyển hướng sử dụng cả dịch vụ trọn gói và thương hiệu với chi phí thấp. Trong khi đó, các hãng giá rẻ liên kết với các hãng hàng không quốc gia cũng được dịp bung mạnh.
Tại Việt Nam, All Nippon Airway, hiện sở hữu 16,5% cổ phần của hãng giá rẻ Skymark, đang thương thảo mua lại cổ phần của Vietnam Airlines, nhằm “giữ chỗ” liên minh trong thị trường quá nhiều đối thủ cạnh tranh này.
Thách thức trong thị trường bay quốc tế đòi hỏi các hãng giá rẻ trong nước cần cải tổ lại đội bay, mở các đường bay mới, đồng thời có kế hoạch ứng phó với các bước đi khó lường của các hãng nước ngoài, bởi không ít trong số này có tiềm lực rất mạnh về kinh nghiệm lẫn tài chính, mà hàng không giá rẻ thì khả năng trường vốn và kinh nghiệm vận hành đóng vai trò then chốt.
Thương hiệu kép - “Át chủ bài” cho chiến lược dài hơi?
Trước thách thức “nội công ngoại kích”, một “át chủ bài” hợp lý trong dài hạn hẳn nhiên sẽ tăng phần thắng cho “người chơi”. Động thái gần đây trên thị trường Việt cũng đã chứng minh cho điều này, khi sách lược “thương hiệu kép” của Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JPA) đang cho thấy hiệu quả tích cực.
Sự hợp lực có được từ VNA - một hãng hàng không lớn, có năng lực về vốn, lao động, kinh nghiệm về đàm phán quốc tế và thế mạnh về thị phần - và Tập đoàn Hàng không Qantas, với công nghệ quản lý hàng không giá rẻ của Jetstar Group, đã gặt được trái ngọt đầu tiên khi JPA lần đầu tiên báo lãi sau 9 tháng đầu năm 2015.
Trong quá trình đó, “thương hiệu kép” VNA-JPA phát huy tác dụng mạnh khi mang lại cho khách hàng cơ hội đi lại bằng đường hàng không dễ dàng hơn với mức chi phí thấp hơn mà vẫn được sử dụng các dịch vụ ưu đãi khác biệt của hãng. Nói như ông Alan Joyce, Tổng giám đốc tập đoàn Qantas, “Qantas đã thành công với mô hình “Thương hiệu kép” ở Úc và chúng tôi đang chia sẻ kinh nghiệm với VNA và JPA. Qantas sẽ tiếp tục hỗ trợ JPA trong các hoạt động bán, tiếp thị và hợp tác quốc tế với các hãng hàng không Jetstar khác. Đồng thời, JPA cũng sẽ cùng tham gia với Qantas trong gói đặt hàng mua máy bay với Airbus trong thời gian tới đây.”
Sự chủ động trong cuộc chiến về giá, cũng như các sáng kiến trong việc tích hợp với các “giá trị mềm” về chất lượng dịch vụ sẽ mang đến lợi thế cho hàng không giá rẻ. |
Việc JPA không còn vướng phải ám ảnh lỗ triền miên không chỉ đưa hãng này thoát khỏi vị thế “người đi trên dây”, mà còn tạo sức bật khả quan cho thị trường. Tận dụng đòn bẩy từ thành công của “thương hiệu kép”, đây cũng là thời điểm chín muồi để các bên hoạch định bước phát triển dài hạn của JPA.
Nói về mục tiêu sắp tới, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển JPA theo mô hình hãng hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác. Vietnam Airlines sẽ tiếp tục cùng JPA thực hiện chiến lược thương hiệu kép. Chúng tôi xác lập mục tiêu duy trì thị phần của hai hãng trên thị trường nội địa ở mức 70% và phát triển đội bay của JPA lên 30 chiếc vào năm 2020.”
Năm 2015, JPA liên tục mở thêm 11 đường bay nội địa mới. Không chỉ dừng lại ở đó, việc công bố giá trị mới hướng đến khách hàng với thông điệp “Giá rẻ hàng ngày, hài lòng khi bay” cho thấy hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam - JPA không chỉ quan tâm đến yếu tố giá, mạng đường bay, mà còn định hướng nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp thêm lợi ích cho khách hàng để đón đầu xu thế cạnh tranh.
Thúy Ngà