Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2020 tới nay trải qua những biến động lớn. VN-Index từ vùng 650 điểm đã tăng trưởng mạnh mẽ lên 1.420 điểm và thời điểm hiện tại, chỉ số một lần nữa nỗ lực vượt mốc 1.400 điểm để tiếp tục chinh phục vùng đỉnh cũ.

Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã tạo nên những gương mặt đại gia mới với giá trị tài sản khổng lồ. Điều này cũng khiến số lượng nữ tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt bị sụt giảm đáng kể.

Theo đó, tính đến hết ngày 19/10, trong Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn có 2 đại diện đến từ phái nữ đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo và bà Vũ Thị Hiền.

{keywords}
Nhiều "nữ tướng" có tài sản lớn trên thị trường chứng khoán, nhưng cũng có rất nhiều nữ đại gia chưa từng lộ diện trước công chúng (Ảnh: TH).

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tên tuổi không còn xa lạ với cộng đồng kinh doanh ở Việt Nam. Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc hãng bay VietJet còn được biết đến là nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên cũng như duy nhất của Việt Nam cho đến nay.

Theo ghi nhận của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang sở hữu khối tài sản 2,8 tỷ USD và đã tăng thêm 75 triệu USD trong ngày hôm qua. Bà Thảo chỉ xếp sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup và ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát về mức độ giàu có (tính theo giá trị tài sản ròng được Forbes công nhận).

Được biết, bà Thảo hiện sở hữu gần 74,5 triệu cổ phiếu HDB, trực tiếp nắm giữ 47,5 triệu cổ phiếu VJC và sở hữu 193,4 triệu cổ phiếu VJC thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Tổng giá trị số cổ phần này đạt khoảng 33.530 tỷ đồng.

Ngoài vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là Phó Chủ tịch Thường trực của HDBank, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sovico, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Người phụ nữ thứ hai nằm trong Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là bà Vũ Thị Hiền - phu nhân Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.

Cổ phiếu HPG ngày 19/10 mặc dù bị điều chỉnh giảm 1,21% xuống còn 57.200 đồng song so với thời điểm một năm trước cũng đã tăng giá lên gấp đôi, tăng 11,5% trong vòng một tháng qua.

Diễn biến giá thuận lợi của cổ phiếu HPG không chỉ đưa ông Trần Đình Long tăng tài sản chóng mặt, trở thành doanh nhân giàu thứ hai thị trường chứng khoán Việt (đạt 67.535 tỷ đồng) mà còn đưa tài sản của Vũ Thị Hiền lên mức 18.999 tỷ đồng.

Bà Hiền nắm giữ 328,1 triệu cổ phiếu HPG và là cổ đông lớn thứ hai của tập đoàn (chiếm tỷ lệ 7,34% vốn điều lệ) chỉ sau chồng bà. Tuy nhiên, bà lại không nắm giữ vị trí quản lý, điều hành nào trong Tập đoàn Hòa Phát.

Hiện tại, giá cổ phiếu HPG vẫn đang trên vùng đỉnh. Mã này từng đạt mức cao nhất lịch sử tại ngày 18/10 là 57.900 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Vingroup là một trong số ít mã bị giảm giá so với năm ngoái trong khi VN-Index tăng. Hiện tại, VIC đang giảm 5,5% so với thời điểm một năm trước, giảm 10,3% trong vòng một quý giao dịch và còn cách xa so với đỉnh 128.000 đồng hồi tháng 4/2020.

Hiện tại, với thị giá của VIC là 92.400 đồng (giá đóng cửa phiên 19/10), mặc dù mức độ giàu có của ông Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có ai sánh kịp song vị trí xếp hạng người giàu đối với bà Phạm Thu Hương - phu nhân ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương) đã có những biến động nhất định.

Theo đó, bà Hương và bà Hằng không còn nằm trong Top 10 người giàu nhất, tuy vậy, giá trị tài sản vẫn rất lớn, lần lượt là 15.736 tỷ đồng và 10.509 tỷ đồng. Cả bà Hương và bà Hằng đều là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.

Trong khi bà Hương nắm giữ gần 170 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 4,47% vốn điều lệ Vingroup thì em gái bà cũng sở hữu 113,5 triệu cổ phiếu này, tỷ lệ đạt 2,98%.

Do sự trỗi dậy của những mã cổ phiếu mới, theo đó, mặc dù năm qua MSN của Masan Group tăng tới gần 70%, đưa tài sản của bà Nguyễn Thị Hoàng Yến lên 6.158 tỷ đồng, tuy nhiên, xếp hạng của bà Yến trong danh sách người giàu lại tụt xuống vị trí thứ 25.

Tương tự, xếp hạng đối với một số "nữ tướng" nổi danh trên thị trường nhiều năm qua cũng bị ảnh hưởng dù giá trị tài sản của họ vẫn tăng và gây "choáng ngợp" với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Chẳng hạn bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn với giá trị tài sản 4.512 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE Corp) với tài sản cổ phiếu 2.791 tỷ đồng; bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Công, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa với tài sản 2.124 tỷ đồng.

(Theo Dân Trí)

Nữ đại gia Việt chi 106 tỷ 'lướt sóng' cổ phiếu nóng, lỗ ngay hơn 55 tỷ đồng

Nữ đại gia Việt chi 106 tỷ 'lướt sóng' cổ phiếu nóng, lỗ ngay hơn 55 tỷ đồng

Chỉ trong nửa tháng, nữ đại gia đã bán ra toàn bộ cổ phiếu và chỉ thu về 50,5 tỷ đồng, “bay” hơn 55 tỷ dồng.