- Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết, Bùi Thành Nhơn, Trần Bá Dương, Nguyễn Thị Phương Thảo... những tỷ phú USD Việt Nam được nhắc tới nhiều trong năm 2016. Mặc dù số lượng tỷ phú tăng vọt, nhưng 2017 mới là năm được kỳ vọng sẽ thực sự bùng nổ và ghi danh trong những bảng xếp hạng uy tín của thế giới.

Nổi tiếng Việt Nam, ẩn danh thế giới

Năm 2016 đã khép lại với khá nhiều gương mặt doanh nhân mới được xếp vào hạng tỷ phú USD. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng vốn được xem là tỷ phú đô-la chính danh đầu tiên và giữ vị trí này trong 4 năm , ông Trịnh Văn Quyết, ông Trần Bá Dương và ông Bùi Thành Nhơn cũng được xem là những tỷ phú USD của Việt Nam.

Tính tới cuối 2016, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup, nằm top đầu những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK). Ông Vượng sở hữu hơn 720 triệu cổ phần VIC, trị giá hơn 30 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD.

{keywords}
Tỷ phú USD Việt Nam mới chỉ có 1 theo xếp hạng Forbes nhưng có rất nhiều doanh nhân nổi tiếng.

Tuy nhiên, khác với 6 năm trước đó, ông Phạm Nhật Vượng không còn là người giàu nhất, thay thế vị trí này là ông Trịnh Văn Quyết, một gương mặt khá mới trên TTCK và cũng chỉ bất ngờ có tài sản quy ra từ cổ phiếu tăng vọt trong vài tháng cuối năm 2016.

Ông Quyết sở hữu gần 290 triệu cổ phiếu ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros), hơn 114 triệu cổ phiếu FLC (Tập đoàn FLC),... trị giá tổng cộng hơn 36 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD) là và người đứng đầu trong danh sách 10 người giàu nhất trên TTCK.

Vị trí xếp hạng người giàu trên TTCK được tính theo giá trị tổng số cổ phiếu mà các doanh nhân này nắm giữ theo thị giá của cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng của Forbes, một bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, tỷ phú USD giàu nhất toàn cầu 2016 có sự bất ngờ từ Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng, ông Phạm Nhật Vượng là người Việt duy nhất lọt danh sách tỷ phú USD trên thế giới, mà không hề có tên ông Trịnh Văn Quyết cũng như ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Tập đoàn BĐS Novaland.

Tài sản của ông Vượng cũng không nằm ở con số 1,3 tỷ USD như tính toán trên TTCK Việt Nam, mà được Forbes ước tính lên tới 2,2 tỷ USD.

Giải thích về điều này, giám đốc môi giới một CTCK cho rằng, đó là sự thận trọng trong cách tính của các bảng xếp hạng thế giới. Tại Việt Nam, giá trị tài sản của các đại gia được tính bằng cách lấy tổng số cổ phiếu nhân với thị giá cổ phiếu, còn trên thế giới việc xếp hạng được xem xét khá kỹ lưỡng, nhất là sự ổn định của doanh nghiệp và của các cổ phiếu, nhất là các cổ phiếu mới lên sàn.

Doanh nghiệp của tỷ phú Hoàng Kiều có doanh thu và lợi nhuận khá khiêm tốn hay như Facebook những năm đầu cũng không có lợi nhuận, nhưng triển vọng của doanh nghiệp được giới đầu tư đánh giá cao và các doanh nhân này đều nhanh chóng lọt bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes.

{keywords}
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất theo xếp hạng Forbes.

Kỳ vọng bùng nổ 2017

Còn trường hợp ông Bùi Thành Nhơn thì mới lên sàn vào những ngày cuối cùng của năm, cổ phiếu còn được nắm giữ bởi vợ và gián tiếp qua công ty gia đình. Ông Trần Bá Dương hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo có lẽ cũng đã được đưa vào bảng đánh giá của Forbes, nhưng do doanh nghiệp của các doanh nhân này chưa lên sàn nên việc đánh giá cần thêm thời gian.

Sự chênh lệch trong cách tính về số tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, thay vì 1,3 tỷ USD mà là 2,2 tỷ USD, theo một chuyên gia chứng khoán, có lẽ do cách xác định tài sản kết hợp theo nhiều phương pháp khác nhau.

Trên thực tế, ngay cả Forbes cũng như các tổ chức xếp hạng khác, việc đánh giá tài sản của các doanh nhân là cực kỳ khó khăn, bởi tài sản của họ vô cùng đa dạng. Các doanh nhân đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đầu tư đan xen, nắm giữ cổ phiếu chéo giữa các doanh nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, việc xếp hạng cũng đánh giá một cách chính xác về giá trị doanh nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và phát triển được 30 năm. Đây là khoảng thời gian đủ dài để nhiều doanh nhân tích lũy được một khoản tiền lớn.

Chính tờ Forbes gần đây cũng nhín nhận, một trong những động lực giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh trong năm 2017 là sự bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân và sự giàu lên nhanh chóng của nhiều người, kéo chi tiêu tăng lên. Theo đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, lên 33 triệu người. 

{keywords}
Dự báo số lượng tỷ phú USD sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Hàng loạt DN có cổ phần nhà nước chi phối và DN tư nhân lớn lên sàn thời gian qua và sắp tới hứa hẹn sẽ xuất hiện những tỷ phú USD mới. Sự bùng nổ của TTCK cùng với chủ trương khuyến khích khu vực tư nhân phát triển sẽ giúp Việt Nam có thêm những gương mặt siêu giàu hoặc cũng có thể là thời điểm để những đại gia giấu mặt xuất hiện.

Gần đây, giới đầu tư cũng đã bắt đầu quen với cái tên Nguyễn Thị Phương Thảo như là một tỷ phú USD. Doanh nhân này chủ hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam VietJet Air, được định giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Cú bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp ô tô lớn nhất Việt Nam - Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương cũng vẽ lên chân dung của một tỷ phú USD ẩn danh, có thể vượt mặt hầu hết các đại gia giàu có trên thị trường chứng khoán nếu cổ phiếu lên sàn. Thaco được định giá hơn 2 tỷ USD, doanh nghiệp đã đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD từ đầu năm 2016.

Nếu chỉ tính với mức giá hiện tại, Thaco đã có vốn hóa khoảng 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Thaco cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.

Những cái tên như Nguyễn Thị Nga (Tập đoàn BRG), Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Tập đoàn T&T), Trần Thanh Quý (Tân Hiệp Phát), Trần Bá Dương (Thaco), Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Xuân Trường, Vũ Văn Tiền (Geleximco),... có thể sẽ góp phần kéo dài danh sách giới siêu giàu Việt.

H. Tú