Chiều cuối năm, họa sĩ Đỗ Tuấn gọi tôi: “Ông có bận không?” “Nghề của tôi ông biết rồi, muốn bận là bận được ngay, muốn rỗi cũng rỗi được ngay”. “Vậy ông đến nhà tôi nhé. Tôi nhờ ông 1 việc”.

5 giờ thử “hàng độc”

Nhà Đỗ Tuấn ở 79 phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội). Ngôi nhà như 1 cái hang dài, lờ mờ tối và lạnh. Lối kiến trúc này rất tốt cho việc cất trữ rượu. Vào nhà nhìn đâu cũng thấy rượu, chum rượu, bình rượu, chai rượu, cả không gian toàn rượu là rượu. Có lẽ bởi thế mà người ta gọi họa sĩ này là “trùm rượu Hà Thành” chăng?

Đỗ Tuấn nói: “Tết Đinh Dậu này, tôi sẽ tung ra thị trường loại rượu cao cấp, có 5 giá bán, từ loại 1 triệu đồng/lít, 2 triệu đồng/lít đến các loại 10 triệu, 20 triệu, 40 triệu đồng/lít. Đây là loại rượu nếp đã hạ thổ 3 năm rồi ngâm với sâm Ngọc Linh”. “Chẳng cần ngâm với thứ gì cả, chỉ rượu nếp hạ thổ 3 năm là uống đã ngon lắm rồi”. Đỗ Tuấn rót 1 chén rượu đặt trước mặt tôi: “Nhờ ông nếm thử. Đây là loại rượu đại trà, giá bán 1 triệu đồng/lít”. Uống rượu để nếm thì không được ăn gì cả, nếu ăn, cảm giác sẽ không chính xác. Rượu uống nếm phải uống chậm. Cho vài giọt rượu vào đầu lưỡi để cảm nhận men rượu tan vào các dây thần kinh.

{keywords}

Dược sĩ Đào Kim Long

“Thơm và êm. Vị rượu nếp hạ thổ rất rõ. Nhưng tôi không thấy có vị sâm Ngọc Linh”. Tôi nhận xét như vậy về loại rượu 1 triệu đồng/lít của Đỗ Tuấn. “Loại này ngâm với lá sâm chứ không phải củ sâm. Lá sâm Ngọc Linh phơi khô giá 20 triệu đồng/kg. Hiện các nhà hàng đã đặt tôi 1.000 lít”.

- “1.000 lít là 1 tỷ đồng. Cũng được đấy. Cho uống nếm loại 2 triệu đồng/lít” – tôi nói.

Đỗ Tuấn rót ra loại rượu khác. Loại rượu này thơm, màu đỏ rất đẹp, nhưng vẫn không có vị sâm Ngọc Linh. Đỗ Tuấn bảo: “Rượu này ngâm hạt sâm Ngọc Linh. Hạt này màu đỏ, bé hơn hạt đỗ xanh, giá bán 5.000 đồng/hạt. Rượu này có tác dụng tăng thể lực, chống nhược sức”.

Đến lúc tôi nếm loại rượu 10 triệu đồng/lít thì bắt đầu cảm nhận được vị sâm Ngọc Linh, nó hơi đắng nhưng sau đó ngọt trong cuống họng. Tôi nói: “Được đấy. Ngày Tết tặng nhau 1 bình rượu quý cũng hay”. “Hàng mẫu tôi bày trên giá kia. Bình 10 lít, trong đó có 1 củ sâm Ngọc Linh 10 tuổi. Củ sâm bao gồm củ, cây và lá sâm, nếu thiếu 1 trong 3 bộ phận đó là giả. Cứ đếm mắt thì biết tuổi của sâm, mỗi mắt 1 tuổi, không thể gian lận được. Tôi bán cả bình 10 lít, 100 triệu, không bán lẻ. Loại 20 triệu đồng/lít để ở giá bên cạnh. Ông nếm thử xem. Trong bình rượu này có 1 củ sâm 20 tuổi”. Vị sâm 20 tuổi khác hẳn, đắng hơn nhưng độ ngọt cũng đậm hơn.

Loại rượu 40 triệu đồng/lít của Đỗ Tuấn ngâm 1 củ sâm 50 tuổi. Rượu này rất tuyệt vời, nhưng phải là đại gia mới mua được, vì bình rượu có giá tới 400 triệu đồng. Trên giá rượu của Tuấn còn có 1 bình ngâm củ sâm 150 tuổi. Đỗ Tuấn nói: “Bình rượu đặc biệt này đã có người trả 1 tỷ đồng, nhưng tôi không bán, vì nó là báu vật, bán đi là mất và không tìm lại được củ sâm nào như thế nữa”. “Tại sao ông có nhiều sâm như thế? Lại là sâm rất xịn?”. “Sâm của tôi do Pơ Lang ở bản Ngọc Lâu gửi ra. Hiện nay dân bản Ngọc Lâu trồng sâm bán tự nhiên rất nhiều”.

Chuyện tình ở Ngọc Linh

{keywords}

Trong khi trò chuyện, Đỗ Tuấn hay nhắc đến Pơ Lang. Người phụ nữ Sê Đăng này đã gắn với 1 phần đời của Đỗ Tuấn. Anh kể lại chuyện cũ: “Tôi nhập ngũ năm 1971. Sau 3 tháng huấn luyện là hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Đêm hôm đó tiểu đoàn tôi đi tập kích 1 căn cứ địch. Trên đường đi, chúng tôi phải qua 1 trảng cỏ. Qua đoạn này phải chạy vì địch hay bắn pháo. Tôi bị đứt quai dép nên chạy sau cùng. Một quả pháo mồ côi nổ trên trảng cỏ và 1 mảnh đạn pháo găm vào đùi tôi. Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong 1 căn nhà gỗ. Tôi run lên vì rét. Đó là bản Ngọc Lâu, nằm trên núi Ngọc Linh, độ cao gần 2.000m so với mặt biển. “Anh giải phóng tỉnh rồi à?” Người hỏi tôi câu đó là Pơ Lang. Cô gái Sê Đăng này rất đẹp. Nhìn cô tôi nhớ ngay đến những người phụ nữ da đỏ trong tranh của Gô-Đanh. Pơ Lang đã sát trùng vết thương cho tôi bằng rượu gạo cất 2 lần và nuôi tôi bằng món cháo cá niên. Đây là 1 loại cá chỉ có ở suối Ngọc Linh. Nó bé bằng 2 ngón tay nhưng thịt thơm và ngọt cực kỳ. Tôi ở nhà Pơ Lang hơn 1 năm. Đơn vị tôi đánh sâu xuống đồng bằng nên tôi không thể tìm thấy tiểu đoàn của mình nữa. Pơ Lang là 1 loài hoa rừng. Đúng ra đó là hoa gạo. Bông hoa ấy đã cháy trong tim tôi hàng chục năm trời và không bao giờ tôi có thể quên được”.

Nhấp ngụm rượu, Đỗ Tuấn chậm rãi: “Tôi sống cùng Pơ Lang, cùng làm nương, làm rẫy, cùng ra suối bắt cá niên và cùng đặt bẫy bắt chuột. Chuột ở Ngọc Linh đêm thường mò đi ăn 1 loại hạt mà người Sê Đăng gọi là hạt lửa. Gọi như thế vì hạt có màu đỏ chói. Vì ăn hạt đó nên chuột Ngọc Linh con nào cũng to và thịt ngon cực kỳ. Không một loài thú hoang nào ở Ngọc Linh cho thịt ngon bằng thịt chuột. Hạt lửa tức là hạt sâm Ngọc Linh. Mãi tới đầu năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long mới phát hiện ra cây hạt lửa chính là cây nhân sâm Ngọc Linh.

Ồ! Vừa nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo đến. Thầy Long đến rồi kia kìa” – Đỗ Tuấn say sưa chuyện cũ.

Người tìm thấy sâm Ngọc Linh

Trong Điển dược Quốc tế, cây sâm Ngọc Linh được viết bằng tiếng Anh như sau: Panax articulatus KL Dao (1973). Trên cây nhân sâm này gắn với tên người tìm ra nó – Kim Long Đào. Dược sĩ Đào Kim Long đã tìm thấy “cây hạt lửa” vào lúc 9 giờ sáng ngày 19/3/1973. Ông Đào Kim Long tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1966. Ông ở lại trường làm cán bộ giảng dạy 3 năm.

Năm 1970, Đào Kim Long vào chiến trường Tây Nguyên, công tác tại Cục Dược liệu, thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam. Hàng ngày ông băng rừng tìm cây thuốc để trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và chiến sĩ ta. Khi lên núi Ngọc Linh, ông đã tìm thấy “cây hạt lửa”. Vì đã thuộc mặt hàng trăm loại cây nhân sâm trên thế giới nên dược sĩ Đào Kim Long biết ngay đây là 1 loài sâm rất quý và đặt tên là nhân sâm Ngọc Linh.

Dược sĩ Đào Kim Long bảo: “Các nhà dược học quốc tế đặc biệt quan tâm tới cây sâm Ngọc Linh, vì nó rất tốt. Người ta đánh giá chất lượng sâm theo tỷ lệ thu suất toàn phần. Sâm Triều Tiên là 3,5%, sâm Mỹ là 4%, sâm Ngọc Linh là 10,8%. Bộ Y tế Hoa Kỳ đặt hàng chúng ta mỗi quý 500 kg sâm Ngọc Linh mà chúng ta không có hàng để bán. Mỗi kg sâm Ngọc Linh tươi có giá 60 triệu đồng, còn sâm khô có giá 500 triệu đồng. Phải hơn 10 năm nữa chúng ta mới có sâm Ngọc Linh để bán cho thế giới. Các nhà khoa học phân tích rất kỹ tác dụng dược lý của sâm Ngọc Linh. Một là nó có tác dụng tăng lực chống nhược sức. Hai là nó kích thích hoạt động của não bộ. Ba là nó làm tăng nội tiết tố sinh dục. Bốn là tạo hồng cầu, tiểu cầu. Năm là trị đặc hiệu một số loại vi khuẩn. Sáu là chống trầm cảm. Bảy là tăng cường chức năng gan và bảo vệ gan. Tám là giảm mỡ máu. Chín là giảm đường huyết. Mười là điều hòa hoạt động của tim mạch. Mười một là chống ôxy hóa. Mười hai là phòng chống các loại ung thư. Mười ba là tăng sức đề kháng của cơ thể và nâng cao hệ miễn dịch”.

“Mới đây, các bác sĩ Mỹ đã điều trị khỏi bệnh ung thư đại tràng cho cựu Tổng thống Jimmy Carter chỉ bằng mỗi cách là nâng cao hệ miễn dịch chứ không phẫu thuật, cũng không hóa trị, xạ trị. Vì những tính chất ưu việt trên mà sâm Ngọc Linh có giá bán rất cao. Vì thế Chính phủ đã quyết định đầu tư để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Khi tôi phát hiện cây sâm Ngọc Linh thì cũng phát hiện họa sĩ Đỗ Tuấn đang ở bản Ngọc Lâu. Tôi biết tiểu đoàn của Đỗ Tuấn đang đóng quân ở đâu nên đã bày đường cho anh tìm về đơn vị. Sau chiến tranh, Đỗ Tuấn vẫn thường xuyên về thăm Pơ Lang. Anh coi bản Ngọc Lâu là quê hương thứ hai của anh. Nhờ thế mà Đỗ Tuấn mới có nhiều sâm Ngọc Linh như vậy”.

(Dược sĩ Đào Kim Long)

(Theo Báo Gia đình và Xã hội)