Không có gia thế “khủng”, chẳng người đỡ lưng, cô gái bỏ học Đại học giữa chừng vẫn trở thành một nữ doanh nhân truyền cảm hứng, với thu nhập 2,5 tỷ/năm. Điều khiến cô nuối tiếc và muốn làm lại nhất, đó là tiếp tục việc học dang dở của mình.
Bỏ học Đại học, khởi nghiệp với 250.000 đồng, trở thành CEO của trung tâm tiếng Anh
Nguyễn Hà Linh chẳng phải một cô nàng tiểu thư sống trong nhung lụa hay được cưng từ trong trứng. Cô gái đã khởi nghiệp bằng máu liều và sự đam mê của tuổi trẻ này từng là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Hà Nội. Ngay từ năm nhất, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên khoa này là điểm IELTS phải đạt ít nhất 6.0. Đó thực sự là một thách thức với một cô gái học chuyên toán (trường Hà Nội – Amsterdam) như Hà Linh. Chuyện học thêm tiếng Anh là điều cực kỳ cần thiết.
Tuy nhiên, có kinh nghiệm làm thêm tại một trung tâm tiếng Anh uy tín ở Hà Nội, Linh hiểu, chi phí cho việc học thêm ở trung tâm là quá cao, không phù hợp với số đông sinh viên, học sinh, chưa kể là đến trung tâm, lớp học quá đông có thể khiến giờ học không chất lượng như mong muốn, vì giáo viên phải cùng lúc chăm sóc quá nhiều học viên. Từ nhu cầu tự thân của mình và các bạn, cô sinh viên năm nhất đã nghĩ ra sáng kiến mở một lớp học tiếng Anh quy mô nhỏ, do một thầy giáo ở trung tâm uy tín kia (đồng thời là bạn trai của cô khi đó) đảm nhiệm.
Với 250.000 đồng và khát vọng làm chủ kiến thức khởi đầu, cô gái này có lẽ không ngờ, mình sẽ "dấn" sâu đến thế trong việc kinh doanh. |
Linh đã chính thức dấn thân vào con đường kinh doanh với 250.000 đồng dành cho việc thuê lớp học, còn lại, cô nàng tự đăng tin quảng cáo để “rủ rê” học viên. Với số lượng “khủng” học viên đăng ký, chỉ trong mùa đầu tiên, lớp học nhỏ đã thu về ngót nghét 200 triệu. Ngoài việc được học “ké” lớp, tiền thu được từ việc mở lớp học (không nhiều, do % chia cho giáo viên lớn), cô để dành để hoàn thiện cơ sở vật chất và mở rộng quy mô trung tâm. Sau hai năm “lăn lộn” với việc học, điều hành các lớp tiếng Anh và các dự án làm thêm khác, cô gái với thân hình nhỏ nhắn đã không đủ sức cân bằng tất cả và quyết định tạm gác lại việc học.
Hà Linh bỏ dở con đường học tập trong trường lớp khi 20 tuổi, và tiếp tục thu lượm kiến thức, theo một con đường khác: sách vở, đi đây đi đó và những trải nghiệm cá nhân. |
Ngay trong năm quyết định bỏ học, năm 2007, Trung tâm tiếng Anh ra đời, đánh dấu sự một bước ngoặt của cuộc đời Nguyễn Hà Linh: từ một cô sinh viên trở thành một nữ doanh nhân. Cô trở thành CEO, hiệu trưởng, người điều hành trung tâm tiếng Anh này trong một thời gian dài, mà theo cô nói, tất cả những gì cô làm là “theo bản năng”, là “khát khao biến ý tưởng của mình thành hiện thực” mà không quan tâm nhiều đến tiền. Thời điểm hiện tại, Hà Linh gần như đã rút khỏi và chỉ giữ vai trò người sáng lập trung tâm này, để dồn sức cho những dự án khác của cô.
“Lấn sân” kinh doanh ẩm thực, thu về 2,5 tỷ/năm
Sau khi thu được thành công nhất định từ trung tâm tiếng Anh, Hà Linh quyết định dấn thân vào kinh doanh ở lĩnh vực nhà hàng - café. Cô bắt đầu bằng một ý tưởng rất… hồn nhiên: bố đã về hưu, Linh muốn mở một nơi để vừa có thể làm việc, vừa giúp bố an nhàn cùng bạn bè. Chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh mảng này, lại không được học hành bài bản, Hà Linh nhận định, nếu gầy dựng một thương hiệu mới từ đầu sẽ quá mạo hiểm. Vì thế, cô đã “nhắm” đến việc mua nhượng quyền thương hiệu của café Cộng – một thương hiệu mà theo Hà Linh, được người củ của nó đầu tư và chăm chút bài bản. Mua nhượng quyền thương hiệu Cộng cafe khi thương hiệu này mới chỉ có 2 cửa hàng, Hà Linh đã mở rộng ra 4 cửa hàng của riêng mình.
Từ những kinh nghiệm và thành công trong việc kinh doanh lĩnh vực đầy tính cạnh tranh này, cô nàng 8X đã đầu tư một thương hiệu mới của riêng mình:. Lý giải cho hướng đi này, Hà Linh nói, rất hồn nhiên: “Chỉ đơn giản vì hồi đó, mình hay đi Thái và “chết mê chết mệt” đồ ăn ở bên ấy, đặc biệt là món ngọt. Nghĩ là nếu cứ lúc nào thèm lại bay sang tận đấy để ăn thì mất công quá, nên mình muốn mở cửa hàng, để phục vụ chính mình và các tín đồ mê đồ ngọt khác. Còn chuyện tại sao lại chọn riêng món tráng miệng thì cũng đơn giản thôi, vì các nhà hàng Thái bán đồ mặn ở Hà Nội đã quá nhiều, mà đồ mặn không hề dễ chế biến, phải có đầu bếp giỏi, có nguyên liệu chuẩn nhập khẩu… khá phức tạp. Đồ ngọt thì dễ “phổ cập” hơn, vậy là mình chọn”.
Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ xíu trên phố Nhà Chung, chỉ trong vòng hơn 2 năm, đã nhanh chóng “phình to” với hàng loạt phiên bản và các cửa hàng “gây bão” trong lòng giới trẻ Hà Nội. Điều thú vị hơn cả là không chỉ tạo thêm danh tiếng và “rót” tiền về cho cô chủ 8X của mình, thương hiệu này còn tạo nên một “cơn bão” đồ ngọt kiểu Thái “đổ bộ” vào Hà Nội và hàng loạt hàng quán ăn theo, cả ngoài vỉa hè lẫn trên mạng xã hội.
Với những dự án đầy cảm hứng ấy, mỗi năm, người khởi nghiệp bỏ học giữa chừng Nguyễn Hà Linh thu về khoảng 1,5 – 2,5 tỷ đồng, tùy thuộc vào sự thăng trầm lên xuống của các dự án, các thương vụ mua bán và sát nhập – một con số ấn tượng với một cô gái 28 tuổi.
“Điều khiến tôi muốn làm lại nhất là không bỏ học giữa chừng”
Nguyễn Hà Linh, xuất thân từ một gia đình bình thường, không có gì gọi là giàu có ở Hà Nội, không không có hậu thuẫn, chẳng có đại gia, không bằng đại học, với những nỗ lực và thành công bất ngờ của mình trong quá trình khởi nghiệp, đã trở thành một nữ doanh nhân lọt vào Top "30 Under 30" – Top những nhân vật trẻ nổi bật nhất Việt Nam do Forbes bình chọn năm 2015.
Cô tự nhận mình là người khá may mắn trong kinh doanh vì trong suốt quá trình khởi nghiệp, dầu có những thăng trầm, vấp váp, cô chưa gặp phải thất bại nào quá lớn. Hà Linh khiêm tốn bảo: “Mình chưa nghĩ là những gì mình đạt được gọi là thành công. Nói cho chính xác, mình đã có được cơ hội trải nghiệm thực sự và có những thành quả nhất định trên con đường trải nghiệm ấy. Bí quyết của mình, có lẽ là sự nhạy bén nắm bắt cơ hội + sự liều lĩnh + nỗ lực, và đương nhiên là cả gia vị may mắn nữa!”.
Được Forbes Việt Nam điểm danh, thành công vang dội với thu nhập "khủng", nữ doanh nhân 8X vẫn nói mình chưa mấy thành công. Cô tham vọng sẽ mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. |
Một ngày của cô gái đang ôm ấp quá nhiều dự án này thường kết thúc rất muộn, và ít có cơ hội, thời gian để làm việc riêng. Cho đến giờ, Hà Linh vẫn đang lẻ bóng, “nhưng không phải do mình kén chọn hay ham làm việc quá đâu, mà chỉ đơn giản là cái duyên chưa đến thôi (cười)”. Trước 9 giờ sáng, danh sách những việc mà Hà Linh luôn hoàn tất là: Ngồi thiền 5 phút – Lên danh sách việc phải làm trong ngày – Nhanh chóng ra ăn sáng ở hàng quen thuộc để lên dây cót cho cho một ngày làm việc hiệu quả. “Mình không bao giờ lấy cớ bận rộn để bỏ bữa sáng, vì một bữa sáng ngon sẽ làm cho tinh thần mình lên rất nhiều” – cô tâm sự.
Hạnh phúc của nữ doanh nhân bạc tỷ này, đơn giản chỉ là được trải qua một ngày mà làm được hầu hết các việc đề ra đầu ngày. Cô cũng đang lên kế hoạch đưa các dự án của mình “tấn công” thị trường nước ngoài. Bận rộn tưởng như không kịp thở, như Hà Linh cũng luôn dành thời gian để đi du lịch nước ngoài, vừa để hưởng thụ tuổi trẻ, vừa khám phá thế giới và học hỏi kinh nghiệm, các mô hình kinh doanh của thế giới, trước là trong lĩnh vực giáo dục, giờ là nhà hàng – café.
Nói về việc được Forbes Việt Nam – một tạp chí uy tín bình chọn trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi có thành tựu, cô tự hào nói: “Việc này khiến mình có chút hãnh diện vì sau nhiều năm lăn lộn kinh doanh, được Forbes công nhận thành quả, mình thấy nỗ lực của mình cũng được biết đến và truyền cảm hứng được cho nhiều thế hệ trẻ hơn. Điều mình muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp đó là các bạn cần sẵn sang chuẩn bị hành trang để trở thành một người khởi nghiệp. Máu liều chứa đủ, phải có những công cụ củng cố tinh thần thép khi hành trình của các bạn gặp khó khăn. Trước 30 tuổi, các bạn cứ làm đi, nỗ lực đủ thì cả vũ trụ ủng hộ bạn”.
Trong hành trang khởi nghiệp mà Hà Linh nhắc đến, kiến thức là điều cô nhấn mạnh. Điều tiếc nuối nhất của nữ doanh nhân trẻ là cô đã không hoàn thành việc học Đại học, chỉ vì đã không nỗ lực làm hết sức, bung hết năng lượng tiềm ẩn trong mình. “Khi đó, mình còn quá trẻ, và đã nghĩ rằng việc học lý thuyết không quá quan trọng. Nhưng mình đã lầm, và vì không được học ở nhà trường, mình đã phải học rất nhiều qua sách vở, thực tế và trải nghiệm. Mình nghĩ, các bạn trẻ, dù khao khát khởi nghiệp, muốn được làm chủ cuộc đời mình đến đâu, cũng cần học hành tử tế và nghiêm túc, trước khi bắt đầu làm gì đó. Đừng để quá muộn mới bắt đầu, nhưng bắt đầu chỉ bằng máu liều và tinh thần phiêu lưu mà không có nền tảng, đó là một ý tưởng tồi”.
Theo Trí Thức Trẻ