Forbes vừa công bố chính thức danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2019 vào ngày 5/3. Theo đó, Việt Nam hiện có 5 tỷ phú USD, nhiều hơn 1 người so với năm trước. 2 tỷ phú lần đầu góp mặt trong danh sách của Forbes là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh. 3 cái tên còn lại gồm ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương.
Nếu như chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đã được báo chí đề cập thường xuyên, đặc biệt sau sự kiện ông được Bloomberg công nhận là tỷ phú USD đầu năm 2018 thì ông Hồ Hùng Anh lại là một doanh nhân rất kín tiếng.
Ông Hồ Hùng Anh là ai?
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 tại Hà Nội, nguyên quán ở Thừa Thiên - Huế. Ông Hùng Anh có bằng kỹ sư điện tử tại đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Trong thời sang sống tại Đông Âu, ông Hùng Anh quen biết ông Nguyễn Đăng Quang. Mối liên hệ của hai vị tỷ phú được Forbes mô tả là "hai đối tác kinh doanh thân thiết" và "có quan hệ đan xen".
Ông Hồ Hùng Anh cùng tham gia với ông Nguyễn Đăng Quang trong việc điều hành Mansan Rus Trading tại Nga, tiền thân của tập đoàn hàng tiêu dùng Masan. Ông Hồ Hùng Anh từng giữ chức tổng giám đốc Masan Rus Trading từ năm 1997 đến 2004. Theo Forbes, trong những năm 1990, ông Hùng Anh cũng buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu.
Trở về Việt Nam, ông Hùng Anh tiếp tục gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng Masan. Ông Hùng Anh lần lượt giữ chức phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và Công ty Cổ phần Masan (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư Masan). Đến tháng 4/2018, ông Hùng Anh từ bỏ mọi chức vụ tại Masan để tập trung cho Techcombank.
Chân dung ông Hồ Hùng Anh, tỷ phú USD mới của Việt Nam. Ảnh: Techcombank. |
Quyết định này nhằm đảm bảo việc thực thi quy định của luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1/2018 khi một cá nhân không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp.
Ông Hồ Hùng Anh bắt đầu tham gia đầu tư vào Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ năm 1995. Đến năm 2004, ông Hùng Anh là thành viên hội đồng quản trị của Techcombank. Tới tháng 5/2008, ông Hùng Anh chính thức đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Hùng Anh, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 10.661 tỷ đồng, tăng 86% so với năm 2013 và chỉ kém duy nhất Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng.
Năm 2018 cũng chứng kiến dấu mốc quan trọng của Techcombank khi ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Thương vụ IPO này giúp Techcombank huy động được 923 triệu USD, cao thứ hai trong năm chỉ sau sự kiện IPO của Vinhomes với 1,34 tỷ USD thu về.
1,7 tỷ USD của ông Hồ Hùng Anh đến từ đâu?
Theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Hồ Hùng Anh hiện ước tính khoảng 1,7 tỷ USD, xếp sau ông Vượng, bà Thảo và cao hơn ông Dương, ông Quang.
Là chủ tịch Techcombank nhưng ông Hùng Anh hiện chỉ giữ 1,12% cổ phần của Techcombank với hơn 39,3 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1.050 tỷ đồng theo giá cố phiếu hiện tại.
Tuy nhiên, lần lượt bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hùng Anh; bà Nguyễn Hương Liên, em dâu; ông Hồ Anh Minh, con trai, đang giữ 4,98; 4,98; 1,98 và 3,95% cổ phần của Techcombank.
Tổng cộng, ông Hùng Anh và gia đình nắm giữ 17% cổ phần Techcombank, lớn hơn cổ đông lớn nhất là Masan. Tính theo giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của ngân hàng này, số cổ phần này trị giá gần 16.000 tỷ đồng.
Nguồn tài sản của ông Hồ Hùng Anh còn được cho là đến từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan của đối tác thân thiết Nguyễn Đăng Quang dù ông Hùng Anh trên danh nghĩa không sở hữu trực tiếp cổ phiếu nào của Masan.
Cụ thể, 2 cổ đông lớn nhất của Masan hiện nay là Công ty cổ phần Masan sở hữu 31,4% và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 13,3%. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Masan lại là chủ sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.
Một số nguồn tin cho biết, ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh chính là 2 cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Masan với tỷ lệ sở hữu mỗi người khoảng 48%. Nếu tính tỷ lệ sở hữu chéo, ông Hùng Anh có thể liên quan khoảng 21,5% vốn tại Tập đoàn Masan, tương đương hơn 22.000 tỷ đồng.
Ảnh: Quang Thắng. |
Tập đoàn Masan cũng chính là cổ đông lớn nhất nắm giữ 15% vốn tại Techcombank. Như vậy ông Hùng Anh có thể liên quan đến thêm 3,2% cổ phần tại Techcombank, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hùng Anh có thể rơi vào khoảng hơn 1,76 tỷ USD.
Đại diện Forbes cho biết việc xác định giá trị tài sản các tỷ phú trên thế giới được kết hợp từ phương pháp tính toán khác nhau. Trong đó, tạp chí có định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán. Ngoài ra là các bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ
(Theo Zing)