Với “hành trang” là tổng giám đốc nhà máy 7.000 tỷ, thua lỗ hơn 1.700 tỷ, ông Vũ Đình Duy - người vừa tự ý nghỉ để ra nước ngoài chữa bệnh - đã liên tục được bổ nhiệm nhiều vị trí cao trong bộ máy.
Thua lỗ 1.700 tỷ dưới thời “sếp” Vũ Đình Duy
Năm 2008, nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) được phê duyệt đầu tư với số vốn lên đến gần 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ). Ông Vũ Đình Duy được giao trọng trách là Tổng giám đốc từ tháng 7/2009.
Đi vào hoạt động từ 2012, nhưng nhà máy này liên tục thua lỗ. Cụ thể, năm 2012, PVTex lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng.
Tổng số lỗ tính đến ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng.
Ông Vũ Đình Duy phát biểu tại một cuộc họp |
Một trong những lý do khiến hoạt động nhà máy trở nên bi đát là lúc lập dự án tính toán một đằng, khi vận hành lại theo một kiểu khác. Các chi phí của PVTex như: khí đốt, chi phí nhân công đều tăng 1,5-3 lần. Dự kiến nhà máy khi hoàn thành chỉ cần khoảng 500 nhân viên, song thực tế đang phải thuê tới 1.000 nhân viên vận hành nhà máy.
Chưa hết, do chất lượng có vấn đề nên có thời điểm PVTex phải đi thuê thêm kho để... chất hàng tồn vì không bán được.
Điểm đáng chú ý khác, đó là tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi tính toán lại phải mất tới 22 năm 10 tháng, chênh lệch tới 14 năm 2 tháng.
Ông Vũ Đình Duy gắn bó với PVTex đến tháng 2/2014 thì rời chức vụ này, để lại nhà máy 7.000 tỷ nằm chết dí vì thua lỗ.
Cách đây không lâu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng khi thanh tra việc đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy 7.000 tỷ này.
Trong đó, ngay từ khâu đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, trong quá trình ký kết hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ đúng quy định, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị. Cụ thể, chuyển đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang của Trung Quốc giá trị 11,3 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ,...
Ông Vũ Đình Duy được đề bạt lên nhiều chức vụ sau khi rời PVTex. |
Hơn nữa, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD, dẫn đến dự án bị đội vốn lên thành 363 triệu USD.
Chẳng hạn, việc đưa chi phí xây dựng không có cơ sở đã làm tăng tổng mức đầu tư gần 21,5 triệu USD. Tính chi phí lãi vay sai làm tăng tổng mức đầu tư thêm hơn 6,3 triệu USD. Một số chi phí khác không đúng quy định làm tăng mức đầu tư thêm gần 8 triệu USD.
Chưa hết, khi đã chọn được tổng thầu EPC cho dự án, thì việc hợp đồng thầu EPC ký bằng ngoại tệ, nhưng thanh toán bằng nội tệ đã làm PVTex thiệt hơn 46 tỷ đồng.
Cựu “sếp” nhà máy thua lỗ thăng tiến chóng mặt
Làm sếp ở PVTex được gần 5 năm (từ tháng 7/2009 đến 2/2014), tháng 12/2014 ông Vũ Đình Duy được chủ tịch UBND TP. Hải Phòng bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng.
Nhưng ông Duy không ngồi ở chiếc ghế này quá lâu. Bởi chỉ 6 tháng sau, vào 6/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng đã bổ nhiệm ông Duy làm Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp.
Ông Vũ Đình Duy đã xin nghỉ đi chữa bệnh, kể cả khi chưa được cho phép |
Vị trí này ông Duy cũng ngồi có hơn 11 tháng. Sau đó, ông này lại được cựu Bộ trưởng Hoàng ký quyết định cho giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kể từ ngày 8/4/2016.
Đáng chú ý, quyết định bổ nhiệm này được ký chỉ 1 ngày trước khi ông Vũ Huy Hoàng rời ghế nóng Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chức vụ này ông Duy đảm nhiệm từ đó cho đến nay.
Vậy là, chỉ trong chưa đầy 2 năm, cựu “sếp” PVTex đã 3 lần được bổ nhiệm vào nhiều chiếc ghế khác nhau.
Một điểm cần lưu ý, trong kết luận thanh tra PVTex, Thanh tra Chính phủ nhận định, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Không lâu sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Vũ Đình Duy đã không xuất hiện ở cơ quan với lý do “xin nghỉ chữa bệnh”.
Trước sự việc này, Bộ Công Thương cho hay không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy.
Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn; xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước.
Lương Bằng