Đua cùng Tập đoàn Hòa Phát, “Vua thủy sản” Dương Ngọc Minh và hàng loạt đại gia Việt khác cùng nhau hốt bạc trong thời gian qua.

Trong khi doanh nghiệp dầu khí vẫn loay hoay với giá dầu thấp, nhiều đại gia khác lại bất ngờ công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận tăng đột biến. Có thể kể tới một vài gương mặt ấn tượng như Tập đoàn Hòa Phát, công ty Hùng Vương của “Vua thủy sản” Dương Ngọc Minh, đại gia vàng bạc PNJ,...

Đua hốt bạc

Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 (niên độ tài chính 01/10 đến 30/09) với khoản lãi ròng tăng mạnh gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý 3/2016 đạt 226,4 tỷ đồng, tăng 213,4 tỷ đồng, tương ứng 16,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 3 quý đạt 244 tỷ đồng. Doanh thu tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến lãi của Hùng Vương tăng đột biến như vậy.

{keywords}

"Vua thủy sản" Dương Ngọc Minh và ông Trần Đình Long

Đây là thông tin bất ngờ vì nhiều quý gần đây, công ty của “Vua thủy sản” Dương Ngọc Minh hoạt động khá yếu, lợi nhuận sau thuế của đơn vị có vốn hàng trăm tỷ đồng chỉ dao động từ 12 đến 58 tỷ đồng. Thậm chí, trong quý 4/2014, Hùng Vương chỉ lãi vỏn vẹn 271 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong những quý gần đây, lãi ròng của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có nhiều bước tiến mới. Dù vậy, những bước tiến đó vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với quý 2 này.

Chiều ngày 26/07, Hòa Phát đã tổ chức buổi gặp mặt nhà đầu tư. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long tiết lộ doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 của Tập đoàn ước đạt 15.400 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch, Lợi nhuận sau thuế đạt 3.050 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, quý 2 Hòa Phát lãi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là kết quả đột biến. Trước đó, lợi nhuận theo quý của Hòa Phát tối đa chỉ là hơn 1.200 tỷ đồng.

Cũng giống như Hùng Vương, doanh thu được cải thiện mạnh chính là yếu tố khiến Hòa Phát lãi khủng. Trong nửa đầu năm, sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát đạt 785.000 tấn thép, chiếm 20,5% thị phần toàn thị trường.

Lợi nhuận tăng vọt tại Hòa Phát và Hùng Vương có thể khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng lại là điều đã được dự báo trước với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Giá vàng tăng điên cuồng thời gian qua khiến PNJ hốt bạc.Trong quý 2 năm nay, lợi nhuận sau thuế của PNJ tăng vọt lên 120 tỷ đồng, lớn nhất trong vòng 6 năm.

Ghi nhận lợi nhuận tăng vọt nhưng Sonadezi Long Thành (SZL) không hốt bạc từ việc cải thiện hoạt động kinh doanh mà từ thanh lý tài sản. Trong kỳ, SZL bán 4 nhà xưởng khiến lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một vài công ty nhỏ cũng tăng mạnh lợi nhuận. Công ty Cầu đường CII (LGC) lãi 59 tỷ đồng cao gấp 3 lần cùng kỳ. Công ty cổ phần Phát triển KCN Tín Nghĩa lãi 19 tỷ đồng cao gấp 5 lần cùng kỳ. Công ty cổ phân An Dương Thảo Điền (HAR) lãi 21 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết.

Hốt bạc từ cổ phiếu

Lợi nhuận tăng đột biến khiến cổ phiếu của các công ty này cũng có nhiều bước tiến đáng kể. Sau khi báo cáo tài chính của Hùng Vương được công bố, cổ phiếu HVG được nhà đầu tư săn đó. Trong 2 phiên giao dịch 25/7 và 26/7, HVG tăng trần. Chốt phiên 26/7, HVG dừng ở mức 10.900 đồng/CP. Suốt thời gian dài qua, HVG thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá.

Chỉ trong 2 phiên vừa qua, HVG đã mang về 295 tỷ đồng vốn hóa thị trường cho Hùng Vương. Trong đó, “Vua thủy sản” Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Hùng Vương được hưởng lợi nhiều nhất. Tài sản của ông Minh tăng 94 tỷ đồng lên 790 tỷ đồng.

Không tăng trần như HVG nhưng cổ phiếu HPG cũng có nhiều cải thiện. Sau 2 phiên giao dịch, HPG tăng 2.100 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn Hòa Phát có thêm 1.539 tỷ đồng. Tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát tăng 387 tỷ đồng lên 7.797 tỷ đồng.

PNJ là trường hợp đặc biệt. Trong thời gian giá vàng tăng điên cuồng, giá cổ phiếu PNJ đã bứt phá mạnh do nhà đầu tư sớm dự báo được kết quả kinh doanh với nhiều đột biến của PNJ. Vì vậy, khi thông tin được công bố, nhà đầu tư không mặn mà với PNJ nữa.

Vì vậy, sau 2 ngày thông tin được công bố, PNJ không những không tăng giá mà ngược lại, cổ phiếu này còn giảm sâu hơn. PNJ đã giảm 5.500 đồng/CP xuống 63.000 đồng/CP. Cổ phiếu PNJ khiến vốn hóa thị trường đại gia vàng bạc hao hụt 540 tỷ đồng.

(Theo VTC)