"Sau khi các cơ quan chức năng đồng ý cho hạ giải và biết địa phương có tổ chức đấu giá, tôi theo dõi rồi đăng ký và mua được cây sưa 200 tuổi", ông Hùy nói.

Những lùm xùm và thậm chí ẩu đả khiến một người chảy máu đầu liên quan đến cây sưa từng được rao bán 50 tỷ ở đình làng Đông Cốc (Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn đang là câu chuyện nóng hổi của người dân nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn Nguyễn Văn Hiến cho biết, sau khi được các cấp chính quyền cho phép hạ giải cây sưa 200 năm tuổi này, UBND xã Hà Mãn đã tiến hành các bước thực hiện việc đấu giá cây sưa.

{keywords}

Cây sưa ở đình làng Đông Cốc.

Ngày 1/8/2016, tại trụ sở Công ty CP Đấu giá Việt Nam (Hà Nội), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo huyện, xã, thôn đã tổ chức bán đấu giá thành công cây sưa này với giá 24,5 tỷ đồng.

Và người đấu giá với mức cao nhất, mua được cây sưa này, theo Chủ tịch xã Hà Mãn là ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh).

Cũng theo thông tin, giá khởi điểm của cây sưa được đưa ra tại phiên đấu giá này là 23.964.672.000 đồng, không có thuế giá trị gia tăng.

Ông Hùy tại phiên đấu giá này mang số thẻ 02 và tại lần trả giá thứ 16 ông đã trả mức giá cao nhất là 24,5 tỷ đồng so với 4 người còn lại cùng tham gia.

{keywords}

Cây sưa 200 tuổi.

Xác nhận với chúng tôi vào chiều 14/12, ông Nguyễn Văn Hùy cho hay, mình chính là người đã tham dự phiên đấu giá và giành được quyền mua cây sưa 200 năm tuổi với mức giá 24,5 tỷ đồng.

Theo ông Hùy, do gia đình làm nghề gỗ, thường xuyên phải tìm mua các loại cây gỗ quý và cây gỗ sưa ở đình làng Đông Cốc không xa lạ gì với ông, thêm vào đó, rất nhiều người dân ở đây cũng biết tới ông, thậm chí còn thông tin cho ông về việc đấu giá cây.

"Gia đình tôi làm gỗ truyền thống nên tôi không lạ gì cây gỗ sưa ở đây và tôi cũng đã được các cụ mời xuống xem cây, tham gia mua cây nhưng do lúc đó chưa có các văn bản đồng ý hạ giải của cơ quan chức năng nên không mua được.

Đến nay, sau khi các cơ quan chức năng đã đồng ý cho hạ giải và biết địa phương có tổ chức đấu giá, tôi đăng ký tham gia, mua được cây", ông Hùy nói.

Ông Hùy cũng thông tin thêm, ngay sau phiên đấu giá khoảng 10 ngày, ông đã nộp đầy đủ 24,5 tỷ vào tài khoản cho cơ quan chức năng để mong sớm có thể hạ giải, khai thác cây sưa này.

"Tiền tôi đã đóng đủ rồi nhưng đến giờ đã hơn 3 tháng, do các vấn đề ở phía bên A là chính quyền địa phương chưa giải quyết xong nên chưa thể hạ giải, khai thác cây.

Tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị, giục lãnh đạo huyện, xã cần giải quyết nhanh, sớm bàn giao cây nhưng vẫn chưa được", ông Hùy cho hay.

Cùng với đó, ông này cũng chia sẻ, có biết việc bà Nguyễn Thị Hợp đã ký hợp đồng với người dân mua cây sưa này với giá 49 tỷ đồng nhưng chính quyền địa phương nói rằng, đây là hợp đồng không có giá trị, đã hủy hợp đồng.

Do vậy, ông cũng không quan tâm đến vấn đề này mà trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải sớm bàn giao, trả lại cây cho ông.

Khi được hỏi dự định mua cây gỗ sưa về làm gì? ông Hùy chia sẻ, do gia đình làm nghề gỗ nên ông và mọi người "quyết tâm mua để về xẻ ra, đóng các đồ gỗ quý để bán".

Riêng việc có tính bán cây sưa này đi Trung Quốc không? ông Hùy trả lời là ông cũng không biết bán như thế nào qua Trung Quốc mà chỉ biết làm hàng gỗ quý để bán.

Ông này cũng từ chối bình luận mức giá 24,5 tỷ là đắt hay rẻ và có lời lãi nhiều không, đồng thời, cho rằng, những sự việc như ẩu đả trong cuộc họp hôm 7/12 chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giải quyết.

(Theo Thế giới trẻ)