Một thông tin thu hút quan tâm của công chúng những ngày gần đây là "dấu chấm hết" hoàn toàn với cuộc hôn nhân của "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ với vợ là doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.
Theo đó, TAND Tối cao mới đây đã xét xử giám đốc thẩm và phát hành quyết định giám đốc thẩm vụ án "tranh chấp về hôn nhân và gia đình" giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên.
Vụ li hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ kéo dài 6 năm đến nay mới kết thúc (ảnh: XD). |
Cụ thể, Tòa đã cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ li hôn. Giấy chứng nhận kết hôn số 59 tại UBND Phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk không còn giá trị.
Tài sản của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên sau khi li hôn được chia như sau: Đối với 13 bất động sản, ông Vũ, bà Thảo thống nhất mỗi người 50% tài sản chung tương ứng với số tiền 363 tỷ đồng.
Về tài sản là cổ phần tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên và tài sản vàng, ngoại tệ, tiền, ông Vũ được chia 60% và bà Thảo được chia 40% tổng giá trị tài sản chung.
Như vậy, sau khi li hôn tài sản bà Thảo được chia là 3.245 tỷ đồng và ông Vũ được chia số tiền là 4.687 tỷ đồng. Về án phí, ông Vũ phải đóng số tiền là 4,8 tỷ đồng và bà Thảo là 3,3 tỷ đồng.
Với khối tài sản trị giá 3.245 tỷ đồng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vượt qua nhiều nữ doanh nhân lớn trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Cụ thể, giá trị tài sản của "bà trùm" ngành thủy sản Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn là 2.857 tỷ đồng; "nữ tướng" Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch REE Corp có 2.116 tỷ đồng.
Một số đại gia nức tiếng khác cũng đang sở hữu khối "tài sản nổi" lép vế hơn so với bà Thảo: ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI có 2.783 tỷ đồng, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen có 2.729 tỷ đồng; ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Ngân hàng ACB có 2.607 tỷ đồng;…
Tài sản của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam một thời, nay là 1.696 tỷ đồng.
Trên trang cá nhân, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có động thái đầu tiên gây chú ý về quyết định này của Tòa án.
Trong một trạng thái ngay sau đó đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ "đang cảm thấy gục ngã" đính kèm lời một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
"Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng".
Chia sẻ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trên trang Facebook cá nhân (ảnh: FBNV). |
Chia sẻ của bà Thảo nhận được gần 3.100 lượt tương tác với gần 400 lượt bình luận, trong đó nhiều người động viên, chia sẻ với nữ doanh nhân này.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI sau đó gửi lời tri ân đến những người đã yêu thương và động viên mình, cho biết "chắc chắn sẽ không bỏ cuộc, vì chính nghĩa và niềm tin".
Về phía Trung Nguyên, tập đoàn này cho biết, đã phải trải qua nhiều mất mát tổn thất kéo dài trong 6 năm qua do "muôn ngàn khó khăn chồng chất gây ra về pháp lý" và sẽ phải mất nhiều năm sau mới có thể phục hồi lại được.
Trong thông cáo sau phiên giám đốc thẩm, Trung Nguyên khẳng định bà Lê Hoàng Diệp Thảo hoàn toàn không phải là người đồng sáng lập Trung Nguyên và chưa bao giờ là người đồng sáng lập Trung Nguyên.
Trên cơ sở kết luận của Tòa án, Trung Nguyên cho hay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã giữ được thương hiệu Trung Nguyên do gia đình ông sáng lập từ năm 1996, giúp hơn 5.000 người lao động và tập đoàn này an tâm làm việc, chủ động trong sản xuất phát triển kinh doanh; bảo vệ toàn vệ thương hiệu tài sản quốc gia "cà phê Trung Nguyên, G7" và tiếp tục có những đóng góp mạnh mẽ hơn vào ngành cà phê Việt Nam.
Còn bà Thảo có đủ điều kiện tập trung xây dựng, đã, đang phát triển thương hiệu cà phê riêng, công ty kinh doanh cà phê riêng của bà Thảo.
(Theo Dân Trí)