Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 6/10 về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đánh giá: Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn đang phải đối phó với dịch Covid-19, phần lớn các quốc gia, bao gồm cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đang có mức tăng trưởng kinh tế âm hoặc chính thức đi vào trạng thái suy thoái tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2020 của nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng dương 2,12%, trong đó quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39%, quý III tăng 2,62%.

Theo Chính phủ, tuy đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng quý III đã có dấu hiệu phục hồi, nền kinh tế đang nhanh chóng hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mức tăng trưởng này được Chính phủ đánh giá “thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới”.

{keywords}
Việt Nam đạt mức tăng trưởng tích cực nhưng phải cải thiện hơn nữa nếu muốn thành nước phát triển.

Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung.

Theo báo cáo, quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt khoảng 269 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.

Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năm 2019, năng suất lao động Việt Nam theo giá hiện hành đạt 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD/lao động), theo giá so sánh (2010) tăng 6,28%.

Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào gia tăng năng suất lao động. Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020.

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019 cao hơn các nước ASEAN-6 Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 4,87%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,37%/năm); Malaysia (2,04%/năm); Thái Lan (3,17%/năm); Indonesia (3,59%/năm); Philippines (4,33%/năm); Brunei (giảm 0,32%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Tuy nhiên, theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% năng suất lao động của Philippines và 6,89% của Brunei.

“Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước ASEAN-6”, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ.

Hà Duy

Thế giới suy giảm, Việt Nam-nước hiếm hoi có tăng trưởng

Thế giới suy giảm, Việt Nam-nước hiếm hoi có tăng trưởng

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất nếu tính từ 2011 đến nay.