Nhà máy Xi măng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 6,5 nghìn tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2010 nhưng lỗ nặng. Việc xử lý khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho dự án này đến nay vẫn rất rắc rối.

Nợ nần chồng chất

Sau một thời gian bết bát, Tổng công ty Sông Đà đã chuyển nhượng lại phần vốn chủ sở hữu tại Xi măng Hạ Long sang cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Tại thời điểm bàn giao, vốn điều lệ của Xi măng Hạ Long là 982 tỷ nhưng lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do Tổng công ty Sông Đà là đơn vị đứng tên trên các hợp đồng tín dụng vay  ngân hàng, nên các ngân hàng nước ngoài đều từ chối chuyển chủ thể nhận nợ từ Tổng công ty Sông Đà sang cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam.

Vì thế, dù Xi măng Hạ Long đã thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam nhưng Tổng công ty Sông Đà vẫn phải là đơn vị đứng ra trả nợ cho các ngân hàng. Số tiền trả nợ sẽ được Xi măng Hạ Long, Tổng công ty Xi măng Việt Nam chuyển cho Sông Đà.

{keywords}
Nhà máy Xi măng Hạ Long đã được "đổi chủ" nhưng tình hình chưa cải thiện nhiều

Mới đây, một Báo cáo về nợ nần của Xi măng Hạ Long được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tính đến nay, Xi măng Hạ Long vẫn còn nợ Ngân hàng Natixis, ngân hàng Bắc Âu, Ngân hàng ADB, Quỹ tích lũy trả nợ.

Cụ thể, tại ngân hàng Natixis, số nợ gốc tính đến hết 2017 là hơn 17,7 triệu Euro. Khoản vay tại Ngân hàng Bắc Âu (NIB), dư nợ gốc đến 31/8/2017 là hơn 14 triệu Euro, trong đó nợ gốc quá hạn là trên 8,2 triệu Euro. Khoản vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dư nợ gốc đến hết 2017 là hơn 28,5 triệu USD. 

Ngoài ra, Xi măng Hạ Long còn khoản nợ lớn từ Quỹ tích lũy trả nợ. Lý do là do Xi măng Hạ Long gặp khó khăn không trả được nợ nên Bộ Tài chính đã phải trích quỹ này cho Tổng công ty Sông Đà vay để trả nợ khoản vay ngân hàng Natixis, với tổng số tiền là hơn 52 triệu Euro. Cho tới nay, Tổng công ty Sông Đà chưa trả được nợ cho Quỹ tích lũy trả nợ, số nợ gốc quá hạn là hơn 48,6 triệu Euro, và lãi vay quá hạn là hơn 4,7 triệu Euro. Kỳ trả nợ cuối cùng của khoản vay này là là 4/3/2018.

Tính cả nợ gốc và lãi quá hạn thì Xi măng Hạ Long nợ Quỹ tích lũy trả nợ lên đến hơn 56,7 triệu Euro.

Như vậy, tổng cộng các khoản nợ gốc của Xi măng Hạ Long là gần 84 triệu Euro và 28,5 triệu USD.

Kế hoạch “giải cứu” khoản nợ

Dẫn đánh giá của Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Bộ Tài chính cho hay dù tổng tài sản của Xi măng Hạ Long giảm từ 2015-2017, vốn chủ sở hữu đã tăng đều qua các năm nhưng vẫn ở mức âm hơn 2.000 tỷ đồng. Các chỉ số về thanh toán có tăng nhưng ở mức rất thấp cho thấy doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ đến hạn. Tình hình tài chính năm 2017 khả quan hơn ở một số mặt nhưng chuyển biến không đáng kể.

“Hệ quả là công ty này vẫn khó khăn trong kinh doanh, không đủ nguồn để trả nợ các khoản vay dài hạn theo các hợp đồng tín dụng đã ký”, Bộ Tài chính lưu ý.

Đầu 2018, Tổng công ty Sông Đà thông báo đã chuyển trả số tiền hơn 16,2 triệu Euro cho Quỹ tích lũy trả nợ. Nhưng theo hợp đồng Tổng công ty Sông Đà ký với Bộ Tài chính, thì số tiền này đầu tiên sẽ phải trả cho lãi phạt chậm trả, lãi đến hạn, gốc quá hạn rồi mới đến gốc đến hạn. Nhưng Tổng công ty Sông Đà lại muốn số tiền này trả cho nợ gốc vay từ Quỹ tích lũy trả nợ.

Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Cho  nên, Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng.

Sau khi chuyển vốn chủ sở hữu từ Tổng công ty sông Đà sang Vicem, năng lực sản xuất kinh doanh được nâng lên, có nguồn thu và tự trả được nợ cho khoản vay Natixis được Chính phủ bảo lãnh, tự trả được phần vay lại vốn ADB.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đối với các khoản nợ còn lại (nợ vay lại vốn ngân hàng Bắc Âu, nợ vay Quỹ tích lũy trả nợ), Xi măng Hạ Long vẫn còn khó khăn trong việc bố trí nguồn trả nợ.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần tái cơ cấu các khoản nợ của đơn vị này. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị số tiền Tổng công ty Sông Đà thu xếp trả các khoản nợ sẽ được thanh toán vào nợ gốc trước tiên, thay cho thứ tự ưu tiên là phải trả lãi phạt chậm trả, lãi đến hạn, nợ gốc quá hạn rồi mới đến nợ gốc đến hạn.

Bộ Tài chính cũng đề nghị khoanh nợ và trả vào kỳ trả nợ cuối cùng với các khoản lãi vay và phí cho vay lại quá hạn tính đến 31/8/2017 với khoản vay ngân hàng Bắc Âu; xóa khoản phạt chậm trả gốc, phạt chậm trả lãi và phạt chậm trả phí cho vay lại quá hạn tính đến 31/8/2017 với số tiền là hơn 436 nghìn Euro.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị xóa các khoản phạt chậm trả gốc, phạt chậm trả lãi khoản vay Quỹ tích lũy trả nợ; phạt chậm trả phí bảo lãnh đến ngày 31/8/2017 với tổng số tiền là gần 6 triệu Euro cho Xi măng Hạ Long.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Tổng công ty Xi măng Việt Nam có văn bản cam kết với Bộ Tài chính đảm bảo nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay Ngân hàng Natixis có bảo lãnh Chính phủ và khoản vay Quỹ tích lũy trả nợ của dự án. Đồng thời, Vicem phải có trách nhiệm hỗ trợ Xi măng Hạ Long trả nợ trong các kỳ tiếp theo đối với khoản vay  ngân hàng Bắc Âu và ngân hàng ADB trong khả năng tài chính có thể.

“Bộ Tài chính không trả thay từ nguồn Quỹ tích lũy trả nợ đối với toàn bộ các khoản vay nêu trên”, Bộ này lưu ý.

Lương Bằng