Những thông tin được hé lộ gần đây đã phần nào phác thảo lên diện mạo của 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Vậy 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này có điểm gì khác biệt so với phần còn lại để xứng với 2 từ “đặc biệt”.
Phác thảo diện mạo 3 đặc khu kinh tế
“Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh”, đó là quyết định mới nhất về mô hình đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho hay, về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Trong đó, Hội đồng nhân dân được tổ chức 2 cấp gồm Hội đồng nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Hội đồng nhân dân các phường. Còn UBND cũng được tổ chức 2 cấp, gồm UBND đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và UBND các phường. Nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBDN.
Phú Quốc sẽ là 1 trong 3 "đặc khu kinh tế" ở Việt Nam. |
Điểm khác biệt của chính quyền đặc khu là dự kiến quy định rõ trong Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt những quyền, thẩm quyền hiện thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn cấp Tỉnh được giao cho Chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và người đứng đầu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Một loạt chính sách khác về tiền tệ ngân hàng, đất đai, chính sách về di chuyển phương tiện vận tải về thể nhân, tiền lương,... đã được Bộ KH-ĐT tính đến. Song có Bộ lại băn khoăn với những chính sách khác biệt này.
Đơn cử, Bộ KH-ĐT đề xuất thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt và tự chủ, ký hợp đồng làm việc với công chức, thuê chuyên gia nước ngoài.
Bộ Tài chính tỏ ra đồng tình với chủ trương này, cụ thể 3 đặc khu được khoán quỹ tiền lương, quyết định chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cao hơn hoặc thấp hơn tiền lương ngạch bậc, chức vụ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý cần có mức khống chế tối đa cho phù hợp với các chính sách thu hút, đãi ngộ hiện hành. Ngoài ra, việc “ký hợp đồng làm việc với công chức” lại chưa được quy định trong văn bản pháp luật nào nên Bộ đề nghị cân nhắc việc này.
Hay, Bộ KH-ĐT mạnh dạn đề xuất cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp thông lệ quốc tế, bên cạnh tiền Đồng Việt Nam là đồng tiền lưu hành chủ yếu, được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi... Thế nhưng, Bộ Tài chính lại lo ngại chính sách này mâu thuẫn với quy định tại Pháp lệnh quản lý ngoại hối, rồi ảnh hưởng đến việc điều hành và thực thi chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Vân Đồn (Quảng Ninh) là "đặc khu kinh tế" thứ hai. |
Ưu đãi thuế phí là chưa đủ
Tổ chức bộ máy 3 đặc khu kinh tế về cơ bản vẫn không khác nhiều so với tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện. Những chính sách “đột phá” còn dè dặt. Vậy cơ chế ưu đãi cho 3 đặc khu này sẽ ra sao để hút các nhà đầu tư?
Bộ KH-ĐT cho rằng việc xây dựng khung cơ chế, chính sách với các ưu đãi vượt trội cho mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ đóng góp cụ thể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều chính sách thuế phí ưu đãi với Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong về thuế thu nhập DN, thuế thu nhập gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,... (xem thêm tại đây)
Có thể thấy, Bộ Tài chính đang cố đề xuất những ưu đãi cho “đặc khu kinh tế” cao hơn những khu kinh tế còn lại, cao hơn cả khu kinh tế thương mại đặc biệt như Lao Bảo, Cầu Treo,...
Khi Bộ KH-ĐT xây dựng dự thảo báo cáo tác động của Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, TS. Võ Trí Hảo, Công ty Luật Khoa & Associate, đã nhận xét: Nếu sự khác biệt về bộ máy, thể chế cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt rất mờ nhạt thì sự ưu đãi về thuế, phí, ngân sách cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lại rất rõ nét và được báo cáo xếp lên đầu tiên trong ba nhóm giải pháp đột phá.
“Nếu xem ưu đãi thuế, phí là yêu cầu tiên quyết và trọng tâm thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chẳng khác gì với các khu công nghiệp, khu chế xuất”, TS Võ Trí Hảo nêu quan điểm.
Cho rằng ưu đãi bằng quyền miễn thuế, phí, ưu đãi giá thuê đất là “cuộc đua xuống đáy”, TS Võ Trí Hảo khuyến nghị: Thay vì dùng thuế, phí để ưu đãi, Trung ương cho phép các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có quyền lập quy rộng rãi, qua đó tự mình đưa ra chính sách thông thoáng, mô hình bộ máy tinh gọn nhất có thể để từ đó tiết kiệm thời gian thủ tục hành chính, chi phí cho quỹ lương công chức; tạo thành nơi đáng sống về an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục...
Như vậy thì việc sáng tạo của địa phương này không bị coi là lấy mất miếng cơm manh áo của địa phương khác, và nếu có ưu đãi nào từ TƯ cho những sáng tạo, đột phá này thì đó là phần thưởng đáng có; còn ưu đãi thuế phí, đất đai thì địa phương nào cũng nghĩ được, không còn là sáng tạo nữa; lúc đó thay vì sáng tạo kiểu startup thì sẽ là “xin - cho” của thời kỳ bao cấp.
Lương Bằng