Tại dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, thay cho Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đề xuất thêm những chính sách cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Bộ KH-ĐT đề xuất nghiên cứu có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi Covid-19 và doanh nghiệp có trụ sở chính, hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 1 tháng với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của thị trường khoảng 3-4%/năm trong thời hạn 1 năm.
Hàng không bị ảnh hưởng mạnh vì dịch bệnh. Ảnh: L.Bằng |
Theo đó, ước tính với khoản ngân sách hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói tín dụng khoảng 100 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi khoảng 3-4%/năm (lãi suất hiện tại khoảng 7-8%/năm).
Đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng lại tác động lớn đến các ngành khác như hàng không, du lịch, giáo dục, Bộ KH-ĐT cho rằng cần phải có các gói cứu trợ tương xứng (đây cũng là thông lệ mà nhiều quốc gia đã thực hiện).
Do đó, theo Bộ này, Chính phủ cần có gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% cho doanh nghiệp trong các ngành du lịch, hàng không, giáo dục trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm.
Ước tính riêng đối tượng doanh nghiệp ngành hàng không, quy mô gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng.
Lương Bằng
Đóng cửa, phá sản vì dịch bệnh: Dân buôn bán nhỏ được hỗ trợ gì?
Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời trên fanpage của Trung tâm Báo chí TP.HCM và fanpage Thông tin Chính phủ tiếp tục giải đáp những thắc mắc về chủ đề "chính sách giảm thuế cho hộ kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ".