Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 ngày 26/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng,đây là năm thiên tai, nhân tai ghê gớm. Riêng thiên tai làm mất đi 1,7 tỷ USD và mất gần 1% GDP.  Vượt lên tất cả, nông nghiệp vẫn đóng góp trên 32 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu, là ngành xuất siêu với trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Có thành quả đó, ta phải cảm ơn người nông dân, ngư dân, người diêm dân đã lăn lộn một nắng hai sương trong những đợt thiên tai và nhân tai vừa qua".

Gần 2 tỷ USD vốn WB đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT tại Hội nghị Tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017, 2016 là một năm cực kỳ gian nan, vất vả và khó khăn đối với ngành nông nghiệp. Liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt. Rét đậm, rét hại nhất trong vòng 60 năm ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán trầm trọng tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở BSCL.

Thiên tai đã gây ra thiệt hại rất lớn (kể cả người và tài sản), đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp.

{keywords}

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến  tổng kết ngành nông nghiệp năm 2016

Song, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nông nghiệp nông thôn vẫn là trụ đỡ của kinh tế Việt Nam.

Theo Thủ tướng, đây là năm thiên tai, nhân tai ghê gớm. Riêng thiên tai làm mất đi 1,7 tỷ USD và mất gần 1% GDP. Nếu mất mùa một vụ thì đời sống người nông dân sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề hội nhập.

Thế nhưng, nông nghiệp vẫn đóng góp trên 32 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu, là ngành xuất siêu với trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt ngành rau quả lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu đạt giá trị 2,4 tỷ USD.

“Có thành quả đó, ta phải cảm ơn người nông dân, ngư dân, người diêm dân đã lăn lộn một nắng hai sương trong những đợt thiên tai và nhân tai vừa qua. Đồng thời, do sự chỉ đạo phòng chống thiên tai kịp thời, quyết liệt xử lý mọi tình huống nếu không sẽ  thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT, các Sở nông nghiệp đã lăn lộn, khắc phục mọi khó khăn. Theo đó, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành phố, tái cơ cấu nông nghiệp cũng bước đầu có kết quả tốt như ở Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Ninh. Đời sống người nông dân được cải thiện một bước trong bối cảnh điều kiện chúng ta còn khó khăn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, ngành nông nghiệp còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Cụ thể, về hạn điền, tích tụ ruộng đất không có, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã trong nông nghiệp bất cập và yếu kém, khoa học công nghệ nông nghiệp cũng yếu. Trong khi đó, vấn đề lao động nông thôn lại quá lớn nên năng suất lao động nông nghiệp nông thôn thấp.

Đặc biệt, tình trạng an toàn thực phẩm nông nghiệp còn nhiều bất cập do thiếu hiểu biết, do đạo đức kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, một nền nông nghiệp chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô không có thương hiệu. Cần xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp sang chiều sâu, không chạy theo số lượng. Cần liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong nông nghiệp, phát triển mạnh nông nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh.

Đồng thời, tiếp tục khai thác hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn, xây dựng nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia, địa phương, vùng miền gắn với chỉ dẫn địa như mô hình mỗi làng một nghề ở Quảng Ninh. Tiếp tục đầu tư hạ tầng nông thôn, đặc biệt là năng lực chống chịu thiên tai. Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện phát triển. Những thể chế nào, chính sách nào mà ràng buộc nông nghiệp nông thôn không phát triển được Thủ tướng Chính phủ đề nghị bãi bỏ.

“Thể chế do chúng ta nghĩ ra mà chúng ta lại sợ nó. Bãi bỏ vì dân, vì sự phát triển của nông nghiệp nông thôn. Thủ tướng sẵn sàng nghe và cùng đối thoại”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ NN-PTNT về việc rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng giao các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng chính sách về tích tụ ruộng đất, cho vay và thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Song, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, không được tái cơ cấu trên giấy, không được tái cơ cấu nửa vời. Ông đề nghị cần chú trọng an ninh lương thực. Một số sản phẩm năm nay đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì năm sau cần tăng lên 11-12 sản phẩm. Rau quả cần đẩy mạnh vì còn nhiều tiềm năng.

Vân Anh