Thủ tướng yêu cầu phải tạo ra một Ủy ban quản lý vốn nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp, thúc đẩy hiệu quả của DNNN. Con đường đấy là khó hơn nhưng Thủ tướng tin rằng, tất cả đều nhất trí lựa chọn. Bởi nếu chỉ để tạo ra một cơ quan kiểu cũ, hành chính, quan liêu thì “không cần thành lập thêm”.
Khối tiền 2,3 triệu tỷ đồng: Câu hỏi 30 năm, hôm nay có trả lời
19 'ông lớn' nhà nước về siêu ủy ban: Hàng loạt sếp quyền lực đi về đâu?
2,3 triệu tỷ đồng: Không để tồn tại sự quan liêu
Chiều ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự lễ ra mắt Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên trách trong việc quản lý vốn nhà nước tại DN, thay vì phân tán tại các bộ ngành như lâu nay.
Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN chính thức ra đời. |
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhu cầu cơ bản đã Đảng, nhà nước đặt ra từ lâu.
Việc ra đời của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN là một bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành với chức năng kinh doanh của DN.
Việc 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về trực thuộc Ủy ban thì Ủy ban sẽ quản lý số vốn hơn 1 triệu tỷ đồng, với tổng tài sản 2,3 triệu tỷ đồng tại DN. Thủ tướng khẳng định rằng điều đó không có nghĩa vai trò của các bộ giảm đi, mà còn tăng lên hơn nữa. Vai trò ấy thể hiện trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực bộ phụ trách.
“Những đơn vị về đây là những đơn vị trọng yếu, then chốt của nền kinh tế Việt Nam - những DN có vị trí rất lớn chứ không phải nắm giữ lượng vốn lớn, tài sản lớn”, Thủ tướng đánh giá.
Tại buổi ra mắt, Thủ tướng đã đưa ra 2 con đường phải lựa chọn khi Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN ra đời. Một là xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ các DNNN, nâng cao hiệu quả của DN. Con đường thứ hai là ra đời một cơ quan quan liêu kiểu cũ, tạo thành gánh nặng cho DN và đất nước.
“Hai con đường đó chọn con đường nào?”, Thủ tướng hỏi. “Hôm nay, tôi tuyên bố chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất”, Thủ tướng khẳng định.
Con đường ấy là tạo ra một Ủy ban hiện đại, chuyên nghiệp, thúc đẩy hiệu quả của DNNN. Con đường ấy là khó hơn nhưng Thủ tướng tin rằng tất cả đều nhất trí lựa chọn. Bởi nếu chỉ để tạo ra một cơ quan kiểu cũ, hành chính, quan liêu thì “không cần thành lập thêm”.
DNNN giữ vị trí trọng yếu trong nền kinh tế. |
Không để sân trước sân sau
Để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhanh chóng kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả, tuyển dụng cán bộ đúng năng lực, có phẩm chất, không để kẽ hở cho tham nhũng tiêu cực...
Thủ tướng cũng nhắc lại vụ việc của Vinashin làm bài học để Ủy ban có thể bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại 19 DN.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng phải tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của DN, giám sát chặt để không xảy ra thất thoát vốn nhà nước, tham nhũng, tránh việc sân trước, sân sau. “Thực sự mặt tốt của DNNN rất lớn, nhưng tình trạng thất thoát cũng không phải là nhỏ”, ông nhắc nhở.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ có DN thuộc diện chuyển giao đại diện vốn chủ sở hữu về Ủy ban cần phối hợp với Ủy ban để chuyển giao ngay, không chậm trễ, không để phức tạp, sai sót xảy ra, không để khoảng trống pháp lý ảnh hưởng quá trình chuyển giao.
Nhắn nhủ đến các DN, Thủ tướng nhắc lại lời của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “hãy tự cứu trình trước khi trời cứu”, mình phải tự lo cho mình, phát huy năng động, sáng kiến, chủ động phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở đó, vai trò của Chủ tịch, Tổng giám đốc DN phải được phát huy.
Theo Thủ tướng, một giám đốc, một chủ tịch giỏi thì mọi việc hết sức tốt đẹp. Còn nếu co lại, không dám làm gì, để thất thoát thì trách nhiệm là rất lớn.
“Hãy chống tham nhũng tiêu cực, sân trước sân sau, người nhà trong kinh doanh, không để phức tạp xảy ra như một số vụ việc đã mắc phải”, Thủ tướng nhắc lại.
Đáp lời Thủ tướng, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cho biết đã sẵn sàng nhận chuyển giao các DN về Ủy ban.
Về công tác cán bộ, Ủy ban đã xây dựng Đề án vị trí việc làm;, làm việc với các Bộ, ngành có liên quan, SCIC và Bộ Nội vụ để lên phương án tiếp nhận, điều chuyển biên chế, tuyển dụng; xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị của Ủy ban để ban hành ngay sau khi có Nghị định của Chính phủ. Ủy ban đã xây dựng hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ gồm hơn 40 quy chế, bao gồm: 07 quy chế nghiệp vụ, 28 quy chế quản trị nội bộ và 09 quy chế/Đề án khác.
Đáng chú ý, Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Bộ Chỉ số bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành/lĩnh vực, có xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ hệ thống mạng và phần mềm chuyên biệt phục vụ tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu.
Dự kiến khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ triển khai kết nối để cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên liên tục, phấn đấu cập nhật giám sát đầy đủ tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Nghị định nêu rõ Ủy ban có Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch. Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức gồm: Vụ Nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng; Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Trung tâm thông tin. |
Lương Bằng