Tiếp cận hỗ trợ nhanh gọn hơn, đẩy nhanh tiêm vắc xin
Tại dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 12 nhóm giải pháp cộng đồng doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
Một là, quy trình, thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi một số quy định, điều kiện để hưởng hỗ trợ quá khắt khe, không phù hợp thực tế như phải có trên 50% lao động mất việc làm, lao động nghỉ việc 1 tháng... Các quy định cần được xây dựng rành mạch và có tính thực tế, theo hướng xác định đúng và trúng đối tượng thụ hưởng, điều kiện tiếp cận và thủ tục nhanh gọn hơn.
Doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua khó khăn bởi Covid-19. |
Chính phủ cần tiếp tục kéo dài việc thực hiện các gói hỗ trợ DN đến hết năm 2021 như gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; giảm tối thiểu 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 cho các DN và xem xét tiếp cho năm 2021; tiếp tục giảm thuế trước bạ ô tô...
Bên cạnh đó, chấp thuận cho phép DN giãn đóng kinh phí công đoàn 2% hoặc giảm còn 1%.
Các DN đề nghị rà soát, làm rõ tính cấp thiết của việc áp dụng các quy định như thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM (dự kiến áp dụng từ 1/7/2021); hay yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên các xe ô tô kinh doanh vận tải trước thời hạn 1/7/2021 của Bộ GTVT...
Đáng chú ý, doanh nghiệp cho rằng Chính phủ nên xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước, đảm bảo thông tin chính xác, minh bạch; chống dịch nhưng không gây hoang mang dư luận. Các tỉnh thành phố không được tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho DN khi lưu thông và tiêu thụ hàng hóa...
Các DN đề nghị xây dựng cơ chế đẩy mạnh quá trình tiêm vắc xin cho người lao động tại các DN. Cụ thể, cho phép các DN được tham gia tổ chức tiêm phòng Covid-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế. Đồng thời, cho phép các DN, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vắc xin với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vắc xin Bộ Y tế chấp nhận. Ngoài ra, cần mở rộng lực lượng tiêm phòng vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm hàng loạt, diện rộng bằng cách huy động không chỉ các cơ sở tiêm chủng mà có thể xét tới các bệnh viện, trung tâm y tế đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
Các DN cũng muốn đẩy nhanh triển khai tiêm vắc xin và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các DN sản xuất. DN sẵn sàng ủng hộ và đồng hành với Chính phủ để có thể thực hiện xã hội hóa việc tiêm vắc xin sớm nhất; cần thống nhất trong việc cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin như cơ quan cấp, hình thức cấp, nên có QR Code... để đảm bảo kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong và ngoài nước.
Các DN cũng đề nghị sửa đổi các văn bản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Chính phủ sớm áp dụng cơ chế chính sách (sand-box) để tạo điều kiện thuận lợi cho các start-up công nghệ; có cơ chế minh bạch về nguồn dữ liệu mở thuộc khu vực công để DN công nghệ có thể tiếp cận nguồn tài nguyên số để phát triển các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo.
Các DN cũng cho rằng cải cách hành chính dù cải thiện vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa đồng đều ở các cấp. Công tác thanh tra kiểm tra vẫn đến thời gian phải làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra tăng.
Tiêm vắc xin là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm |
Tránh tình trạng địa phương hóa quá mức
Tại dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét, giao các cơ quan, bộ ngành và các tổ chức liên quan cần tiếp tục đồng hành nghiên cứu thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo mục tiêu kép.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hóa quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ về cơ chế đẩy mạnh quá trình tiêm vắc xin cho người lao động, kế hoạch ưu tiên vắc xin cho người lao động tại các khu công nghiệp, chuyên gia quốc tế, người lao động trong DN thường xuyên phải đi công tác nước ngoài và tiếp xúc với người nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng năm 2021 đối với các ngành chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn để giảm giá dịch vụ, kích cầu và hỗ trợ du lịch nội địa; nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các DN kinh doanh vận tải; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô mới đăng ký kinh doanh vận tải; nghiên cứu giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ mức 2.100 đồng/lít về 1.000 đồng/lít cho đến hết năm 2021.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu đề xuất Chính phủ và Quốc hội cho phép DN giãn đóng kinh phí công đoàn và giảm 50% mức phí công đoàn trong năm 2020 và 2021.
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu cho phép các DN vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021, tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải.
Lương Bằng
Trụ cột kinh tế sa sút, Bộ trưởng lắng nghe chuẩn bị hành động
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành gói hỗ trợ lần hai để giúp doanh nghiệp trụ vững, hồi sức trước ảnh hưởng của Covid-19.