Nguy cơ “chết” hàng loạt
Báo cáo tổng hợp phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong số hơn 21.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát trong tháng 8/2021, tỷ lệ tạm ngừng do dịch chiếm 69%; số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng là 16%; số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể là 15%.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp tạm thời đóng cửa nhiều nhất là bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Do phong toả, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép "hàng thiết yếu" được lưu thông, các chốt chặn kiểm soát dịch được dựng lên khắp các cung đường với điều kiện lái xe, hàng hoá được lưu thông khác nhau.
Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng cạn tiền. Có 40% số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh vì Covid cho biết, chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng nữa. Doanh nghiệp còn tiền duy trì được từ 1-3 tháng chiếm khoảng 46%. Các khoản chi lương, trả tiền thuê kho bãi, lãi suất, nhà xưởng, văn phòng, tiền bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu,... là những áp lực lớn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “thoi thóp”.
Một doanh nghiệp kinh doanh hàng ăn uống tại Hà Nội cho hay, do thực hiện giãn cách xã hội nên từ cuối tháng 7/2021 đã phải đóng cửa. Kinh doanh hàng ăn uống gần như “chết hẳn”, nhân viên đã nghỉ không lương nhưng hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, kho chứa, tiền bảo vệ, đóng tiền điện,... trong khi các khoản nợ vẫn treo trên đầu. Nguồn tiền thì đang cạn dần mà không thể ngừng chi trả, nếu kéo dài thì chỉ còn phá sản thua lỗ, nợ nần. Chỉ những ai trong hoàn cảnh này mới thấu hiểu, ông chia sẻ.
Theo Ban IV, do khó khăn, đã buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Có tới 52% số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 31% doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng phải làm như vậy.
Nếu để doanh nghiệp “chết” hàng loạt thì hàng triệu người lao động cũng khốn khó. Người lao động vừa làm ra sản phẩm cho nền kinh tế, đồng thời cũng là người tiêu dùng. Nếu người lao động thất nghiệp không có thu nhập, giảm chi tiêu thì kinh tế sẽ trì trệ. Vì vậy, tháng 9 chính là thời điểm có tính chất quyết định để cứu nguy các doanh nghiệp.
Thời điểm cứu doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, bất cứ sự ngần ngừ, chậm trễ triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ vào lúc này sẽ chỉ khiến thêm nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động và số doanh nghiệp có thể quay trở lại cũng sẽ giảm đi. Đây là thời điểm các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc ngay để đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Ngày 9/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid 19. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, Nghị quyết ban hành thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời.
Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ: tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa tình trạng tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản,... là rất trúng và phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
"Tôi cho rằng, nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 105, các chính sách sẽ được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả, góp phần rất lớn hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay, ông Ngô Trí Long nói.
Chuyên gia Cấn Văn Lực, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, khẳng định, mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, các biến thể của dịch bệnh ngày càng phức tạp và luôn luôn thay đổi, rất khó để triệt tiêu hoàn toàn được dịch bệnh. Trong khi đó, việc đóng cửa nền kinh tế tác động rất lớn đến tình hình kinh tế và xã hội nói chung và "sức khỏe" của các doanh nghiệp nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam, nhìn nhận, các doanh nghiệp hiện rất khó khăn mà ngay trong Nghị Quyết 105 vừa ban hành, Chính phủ cũng đã thừa nhận điều này. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần hành động ngay.
Với các doanh nghiệp, mong mỏi nhất là được quay trở lại sản xuất bình thường. Muốn vậy, cần thống nhất quản lý phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên toàn quốc, không để mỗi địa phương một kiểu; đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người lao động; cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn được tham gia sản xuất kinh doanh; cho phép lưu thông hàng hóa như trong điều kiện bình thường; xem xét lại mô hình “3 tại chỗ” vì chi phí rất cao; tháo gỡ khó khăn về dòng tiền; hỗ trợ giảm và giãn nộp các khoản thuế, phí,... cho DN.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn giảm thuế giá trị gia tăng, không phân biệt lĩnh vực và quy mô cho tất cả loại hình kinh doanh. Ở giai đoạn này, kích cầu tiêu dùng là một yếu tố rất cần thiết. Kích cầu thông qua giảm thuế giá trị gia tăng cho người tiêu dùng sẽ mang lại những tác động tích cực ngay trong ngắn hạn.
Trần Thủy
Kiến nghị ban hành chỉ thị phòng chống dịch mới, thay thế Chỉ thị 15, 16
Các hiệp hội DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới, thay thế Chỉ thị 15,16.