Nhà máy chế biến súc sản Hà Tĩnh đóng cửa sau 4 năm hoạt động

Dự án gần 5 triệu đô đóng cửa sau 4 năm hoạt động

Đó là dự án Nhà máy chế biến súc sản được đầu tư trên 12ha ở phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng.

Khánh thành rầm rộ

{keywords}
Nhà máy Chế biến súc sản đóng cửa sau 4 năm hoạt động

Sau 6 tháng khởi công xây dựng, đến ngày 10/7/2014 Mitraco tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Chế biến súc sản công suất 500 con/ ngày.

Nhà máy Chế biến súc sản được triển khai xây dựng theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi, phát triển chăn nuôi lợn bền vững trên địa bàn.

Nhà máy được Mitraco đầu tư xây dựng trên dây chuyền công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu về vệ sinh an toàn thực phẩm, do Công ty TAESA (Tây Ban Nha) cung cấp.

Quy mô giai đoạn 1 của nhà máy là giết mổ 500 con lợn/ngày và chế biến 2 tấn/ngày; giai đoạn 2 là giết mổ 1.000 con lợn, 100 con bò và 3.000 con gà/ngày, chế biến 5 tấn/ngày; xử lý nước thải 400m3/ ngày đêm. Tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là 105 tỷ đồng.

Nhà máy chính thức bàn giao và đi vào sản xuất vào đầu tháng 6/2014 với quy mô bước đầu 100 con lợn/ngày, bằng 20% công suất.

Sản phẩm chế biến giai đoạn đầu gồm: giò lụa, chả, xúc xích, giăm bông và một số sản phẩm cao cấp khác. Sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng, chợ trong tỉnh, trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Buổi khánh thành diễn ra hoành tráng, rầm rộ với sự hiện diện của những vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hà Tĩnh cùng các sở ban, ngành, các đối tác, quan khách.

Thời điểm đấy, tỉnh Hà Tĩnh “tham vọng” dự án sẽ cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng trong tỉnh và vươn tới thị trường thế giới.

Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh còn kỳ vọng dự án sẽ tạo nền tảng trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Thế nhưng, sự tham vọng và kỳ vọng lớn lao ấy đã nhanh chóng bị dập tắt khi dự án hoạt động cầm chừng, không đạt hiệu quả.

Đến khối sắt thép hoang lạnh…

{keywords}
Dự án như bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm

Khác hẳn với không khí rầm rộ ngày khai trường, thì sau hơn 4 năm dự án này chỉ còn lại là khối sắt thép, nhà xưởng nằm im lìm, hoang lạnh. Cả khu dự án rộng rộng 12ha chỉ còn lại 5 bảo vệ để trông coi khối tài sản.

“Nhà máy này ngừng hoạt động hơn 1 năm nay rồi. Giờ chỉ còn 5 bảo vệ ở đây để trông coi tài sản thôi”, một bảo vệ tại dự án cho biết.

Ghi nhận của PV vào những ngày đầu tháng 12/2019, khung cảnh tại dự án này hết sức thê thảm.

Toàn khu vực vắng tanh như chốn không người, không giống như cái nhộn nhịp, tấp nập xe vào ra như chúng tôi mường tượng trước đó.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Nhiều khu vực nhà sản xuất, thiết bị đường ống nước bị hư hỏng

Cổng chính khóa chặt, các nhà xưởng đóng cửa im lìm, các khu vực nuôi nhốt lợn, gà ngổn ngang, xung quanh cỏ mọc um tùm, cao cả mét. Nhiều người dân còn tận dụng để thả bò. Nhiều hạng mục đã bị hoen gỉ, xuống cấp.

“Ngày mới hoạt động cũng đông đúc lắm, nhưng sau đó thì giảm dần, rồi dừng hẳn. Những người trước làm ở đây người thì được chuyển đi làm nơi khác, người thì xin nghỉ”, một người từng làm việc tại dự án này buồn bã.

Phía Mitraco cho rằng, do không tìm được đầu ra, thị trường tiêu thụ nên dự án không hiệu quả, thua lỗ nên buộc phải đóng cửa.

Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP (Mitraco), là doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh theo quyết định số 1847/QĐ – TTg ngày 11/10/2013 của Thủ Tướng Chính Phủ. Tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình công ty mẹ, công ty con trên nhiều lĩnh vực.

(Theo Dân trí)