Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn giảm tỷ lệ nắm giữ vốn sau sắp xếp của tập đoàn tại Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp Dầu khí xuống 36% (PVTex). Hiện PetroVietnam đang nắm giữ khoảng 74%.

Trong kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp năm 2015 và kế hoạch năm 2016, Tập đoàn Dầu khí cho biết đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn giai đoạn 2016 -2020.

Theo đó, với nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng đang thua lỗ, PVN cho biết sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 74% để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, PVN cũng mạnh dạn tính đến phương án giảm sở hữu nhà nước xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được đối tác.

{keywords}
Nhà máy PVTex Hải Phòng. Ảnh: Lương Bằng

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng), do Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi tổng hợp dầu khí vận hành, có vốn đầu tư 7.000 tỷ, với mong muốn Việt Nam làm chủ nguồn nguyên liệu dệt may.

Nhưng ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng nhà máy,... Đến ngày 31/3/2015, tổng số lỗ của PVTex lên tới 1.732 tỷ đồng.

Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Chất giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVTex với hy vọng vực dậy được công ty.

Ngoài PVTex, Tập đoàn Dầu khí còn đưa ra một số kế hoạch quan trọng về thoái vốn ở các công ty con.

Cụ thể, PVN đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá tại hàng loạt các công ty, đồng thời thuê các tổ chức định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá như Tổng công ty Điện lực Dầu khí (dự kiến bán vốn, tỷ lệ nắm giữ tối thiểu 51%), Tổng công ty Dầu Việt Nam (vốn nhà nước 65%), Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn - vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (nhà nước nắm 65% sau cổ phần hoá).

Đặc biệt, PVN đang thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá với Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, giảm tỷ lệ nhà nước nắm giữ xuống tối thiểu 75%. Đây là công trình tiếp nhận từ Vinalines với số lỗ còn rất lớn

Lương Bằng