Ngày 5/10, Bộ Công Thương có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổng hợp danh mục các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đề xuất tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Văn bản do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký nêu rõ, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương nhận được đề nghị khảo sát, phát triển dự án và bổ sung quy hoạch các dự án điện gió (trên đất liền, gần bờ, xa bờ) lên đến khoảng 50.000 MW.
Theo tính toán cân đối cung cầu toàn quốc của Viện Năng lượng tháng 2/2020 (trước khi xác định ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến năm 2025, phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là một trong những giải pháp phát triển nguồn điện đủ dự phòng trong trường hợp phụ tải tăng cao, điều kiện khí hậu bất lợi (thủy điện phát thấp do hạn hán kéo dài) hoặc một số nguồn điện khác tiếp tục chậm tiến độ.
Điện gió đang bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng |
Ưu điểm của nguồn điện này là thi công nhanh, có thể kịp thời đưa vào vận hành ngay trong giai đoạn 2021-2023, tận dụng tiềm năng thiên nhiên của đất nước mà không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, thân thiện với môi trường
Từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã có 3 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió và được Thủ tướng đồng ý bổ sung quy hoạch tại văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020, văn bản số 911/TTg-CN ngày 15/7/2020.
Như vậy, tổng công suất quy hoạch điện gió năm 2025 là 11.800 MW (trong đó 4.800 MW điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 1/1/2019), tương ứng với tính toán cơ cấu nguồn điện gió theo phương án cao.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 693/TTg-CN ngày 9/6/2020 về việc rà soát các dự án điện gió theo chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngay ngày 25/9/2020, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản 7201/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát 74 dự án điện gió với tổng quy mô công suất khoảng 6.400 MW.
Hiện nay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp danh mục các dự án điện gió (tên dự án, công suất, địa điểm, dự kiến phương án đấu nối) đang đề nghị khảo sát, nghiên cứu triển khai, bổ sung quy hoạch đã được trình riêng lẻ, gửi Bộ Công Thương trước ngày 9/10/2020.
Do thời gian thẩm định riêng lẻ các dự án điện gió đến khi trình Quy hoạch điện VIII không còn nhiều, Bộ Công Thương tạm dừng xem xét thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh).
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm rà soát quy hoạch địa điểm vị trí các nhà máy điện gió theo các quy định hiện hành và một số tiêu chí nêu tại văn bản số 4865/BCT-ĐL ngày 6/7/2020 và văn bản số 4640/BCT-ĐL ngày 26/6/2020 của Bộ Công Thương.
Lương Bằng
Tới thời điểm quyết định, hàng loạt đại gia phập phồng lo sợ
Không nằm ngoài dự đoán, nhiều doanh nghiệp đầu tư điện gió sẽ không kịp đưa dự án vào vận hành trước thời điểm tháng 11/2021. Có nghĩa, nhà đầu tư sẽ không được bán điện với giá ưu đãi.