Hậu quả kéo dài

Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, 8 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 85.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, do ảnh hưởng của dịch Covid, trong đó phần nhiều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Còn khảo sát do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), thực hiện vào giữa tháng 8/2021 vừa qua, với sự tham gia của 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thấy, có 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trước đó, tháng 6/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội khảo sát gần 1.500 doanh nghiệp thành viên, kết quả có tới 57% hoạt động cầm chừng; 2,61% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; chỉ có 1,41% doanh nghiệp hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhận xét, tới đợt dịch bùng phát lần thứ tư này, doanh thu của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giảm trên 50%, dẫn đến hậu quả nặng nề.

{keywords}
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải là do bị tạm dừng hoạt động khi thực hiện giãn cách xã hội; không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra; thiếu nguyên vật liệu đầu vào và giá tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch...

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn bởi doanh thu giảm mạnh hoặc không có, nhưng chi phí hàng tháng vẫn phải trả, nguồn tiền cạn kiệt.

"Tôi là chủ của hai doanh nghiệp, một làm về truyền thông, một kinh doanh rượu vang. Kinh doanh rượu gần như dừng hẳn vì không có khách hàng, nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải đóng vài chục triệu tiền điện, tiền mặt bằng. Công ty truyền thông của tôi cũng sống lay lắt trong mùa dịch, nhân viên bị giảm lương, khách hàng mới không có, khách hàng cũ dừng hợp đồng gần hết. Lãi ngân hàng thì treo trên đầu, anh Nguyễn Đăng Vinh ở Lê Duẩn, Hà Nội than thở.

Còn anh Nguyễn Lê Hoàng - chủ doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bạt và mái hiên di động tại quận 10, TP.HCM - cho hay đang rất khó khăn vì đại dịch. Chi phí vận hành tối thiểu để đảm bảo anh em nhân viên hưởng 50% lương và làm online, thuê văn phòng... cũng lên tới 40 triệu đồng/tháng. Đúng lúc lập dự án và rất nhiều kỳ vọng thì kế hoạch bị đứt gẫy.

"Hơn 100 ngày qua, tôi thực sự bế tắc. Phải nghỉ dịch đã ba tháng nay, nhưng các khoản tiền vẫn phải chi, kể cả gốc và lãi ngân hàng. Cứ như vậy, nếu không có tiền để duy trì doanh nghiệp, trả lãi ngân hàng thì chỉ có ra đường mà ở. Chỉ ai trong hoàn cảnh này mới hiểu", anh rầu rĩ.

Cần tiếp nguồn “máu”

Khảo sát của Ban IV cho thấy, tiền được ví như là nguồn sống của doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu "máu". Hơn 40% doanh nghiệp phản ánh chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với 45% có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%. Điều này cho thấy nếu không có hỗ trợ, thì khả năng giải thể là rất cao.

{keywords}
Các doanh nghiệp đang rất cần nguồn tài chính để duy trì và khôi phục hoạt động.

Các chuyên gia tài chính nhận định, 8 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Theo tính toán, từ nay đến hết năm, nếu kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể cũng ở mức 100.000, hoặc lên tới khoảng 150.000. Một doanh nghiệp mất thanh khoản sẽ kéo theo những đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản theo. 

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần nguồn tài chính để duy trì và khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh, việc vay vốn từ ngân hàng rất khó khăn.

Các ngân hàng cho rằng, phần nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện có thông tin tài chính kế toán không đảm bảo tính minh bạch, khó thẩm định hồ sơ cho vay vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ không còn tài sản thế chấp để vay khoản mới và không đảm bảo nguồn thu để trả nợ nên cho vay sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Còn với những doanh nghiệp nào đã “chết lâm sàng” thì gần như không có cơ hội được vay vốn.

Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam, do Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, khuyến nghị, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam thời gian qua, cần được khai thác mạnh mẽ hơn. Với làn sóng dịch bệnh hiện nay, Việt Nam càng phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu Covid.

Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 cũng yêu cầu khẩn trương hỗ trợ cả về thể chế hành chính và tín dụng - tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giúp đại đa số các đơn vị tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.

Đặc biệt, cần có một cơ chế đặc thù và một giải pháp mang tính đột phá đễ hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, nên có một tổ hợp tín dụng cho vay với lãi suất thấp, thời hạn từ 2-5 năm, riêng TP.HCM là 100.000 tỷ đồng và cho cả nước là 300.000 tỷ đồng. Theo ước tính, với hạn mức 100.000 tỷ đồng dành cho TP.HCM, chia bình quân cho mỗi khách hàng 5 tỷ đồng sẽ giúp được khoảng 20.000 doanh nghiệp vượt khó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.

Trần Thủy

Thời điểm quyết định, cần hành động ngay

Thời điểm quyết định, cần hành động ngay

Nếu để doanh nghiệp tê liệt hàng loạt thì kinh tế sẽ khủng hoảng. Đây là thời điểm có tính chất quyết định để cứu nguy các doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc ngay để đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động.