“Tới đây, chế độ xe công sẽ được sửa đổi theo hướng từ cấp Thứ trưởng trở xuống sẽ không có chế độ xe công riêng…” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bên hành lang Quốc hội, hôm nay, 21/10.

Bộ trưởng nhấn mạnh, “Cái xe là tài sản, không thể một lúc mà giảm, xử lý ngay được. Phải có bước tiếp theo là rà soát đầu xe, lái xe, từng bước để giảm”.

Do đó, việc thực hiện khoán xe công bước đầu thực hiện như hiện nay để từng bước sắp xếp.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Chế độ xe công dự kiến được Bộ Tài chính kiến nghị theo hướng “tiền tệ hóa” để “không mua xe nữa thì tự nhiên đầu xe sẽ giảm”.

Cụ thể, theo Bộ trưởng giải thích: “với những tiêu chuẩn như: Thứ trưởng, Tổng cục trưởng hiện có xe công đưa đón thì sẽ được giao trong khung 5-10 triệu đồng/tháng để từng cơ quan xác định cụ thể theo điều kiện và yêu cầu”.

{keywords}

Bộ Tài chính đang nghiên cứu nhiều phương án để giảm xe công

Ngoài ra, có thể nghiên cứu gom các văn phòng của địa phương thành một đơn vị xe để tính đầu xe chung, chứ không tính riêng như hiện nay.

Một hướng sửa đổi nữa được Bộ Tài chính nghiên cứu là tùy điều kiện cụ thể từng địa phương, gắn với địa hình cụ thể để bố trí xe.

“Quy định 700 triệu/xe chung thì phù hợp với vùng đồng bằng, nhưng miền núi thì phải có xe hai cầu có khi phải mua khoảng 1 tỷ thì người ta mới đi được, phải thực tế như vậy” – Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng tin việc sửa đổi sẽ đem lại chiều hướng tốt nhưng không cần thiết tổ chức các đơn vị dịch vụ công sau khi thực hiện khoán xe công, mà để tự xã hội hóa.

Đối với chế độ lái xe dôi dư do thực hiện khoán xe công, Bộ trưởng cho biết, phải có lộ trình vì liên quan đến việc làm, đến con người và đến cuộc sống gia đình của họ.

Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng.

Dự kiến, chế độ khoán xe công sẽ được sửa đổi trong vòng 1 năm trên cơ sở sửa đổi quy định về chế độ này trước khi triển khai.

(Theo Pháp luật Việt Nam)