- Dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Bộ Y tế soạn thảo, dài gần 15 trang, nhưng có tới hơn 3 trang đề cập đến Quỹ nâng cao sức khỏe. 

Tranh cãi tên gọi

Tại cuộc tọa đàm về dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”, do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng: Tên gọi: “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” đã mặc nhiên coi rượu, bia là thứ độc hại cần phòng chống. Sử dụng rượu, bia không đúng cách, lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại chứ không phải cứ tiêu dùng rượu, bia là có tác hại. Như vậy, tên gọi này là không ổn và cần phải đổi tên cho phù hợp.

{keywords}
Đang có 85 căn bản điều chỉnh về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cũng đề nghị xem xét đổi tên Luật. Để tên gọi là “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” gây ra hiểu nhầm rất nghiêm trọng.

“Gọi tên như vậy là gây nhầm lẫn và sai bản chất rằng cứ rượu bia là có tác hại, thậm chí chỉ có độc hại. Chẳng hạn bia là nước giải khát là chính chứ không phải chất kích thích, chứ độc hại thì không đáng kể. Còn nếu lạm dụng thì cái gì cũng tác hại. Dùng nhiều thuốc bổ cũng có thế độc hại chết người”, ông Đức nói.

Không chỉ tên gọi, nhiều vấn đề bất hợp lý khác cũng đang được quy định tại dự thảo Luật Dự thảo Luật này, chẳng hạn như việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn. Theo Hiệp hội Bia rượu nước giải khát, biện pháp này sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội. Các hoạt động văn hóa và thể thao xã hội hóa (do các doanh nghiệp tài trợ) đem đến cho công chúng Việt Nam các chương trình giải trí hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế. Những hoạt động này đang góp phần giúp hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ du lịch, đóng góp cho nền kinh tế ở các địa phương.

Ngoài ra, việc cấm quảng cáo sẽ không có hiệu quả đối với nhóm thiểu số những cá nhân có hành vi lạm dụng đồ uống có cồn.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu băn khoăn dự luật khó đi vào cuộc sống vì có thể không phù hợp cam kết quốc tế. "Luật Quảng cáo không cấm quảng cáo bia. Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đã thông qua, chúng tôi thẩm tra thấy chi phí quảng cáo không bị giới hạn 15% nữa mà được tính trong thu nhập chịu thuế dù là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Vậy việc cấm quảng cáo có đúng không?", ông Chiểu đặt vấn đề.

Ông Trần Hùng, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp quảng cáo thu được hàng nghìn tỷ đồng từ quảng cáo của các hãng bia, nếu cấm quảng cáo sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh.

Theo ông Hùng, Hiệp hội quảng cáo ủng hộ việc cần chống tác hại của việc lạm dụng bia rượu, chống rượu thủ công gây chết người nhưng không thể đánh đồng bia với rượu mà cần có khoản riêng cho rượu/bia.

Mục đích chỉ để lập quỹ?

Rất nhiều ý kiến cũng đặt vẫn đề về quy định thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe được đề xuất trong Luật. Bởi tiền đóng góp cho quỹ xét cho cùng cũng từ tiền của người dân, có nghĩa muốn uống bia người dân phải nộp tiền cho quỹ?

Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án, phương án 1 sẽ lập Quỹ Nâng cao sức khỏe; phương án 2 là đổi tên và tổ chức lại Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thành Quỹ nâng cao sức khỏe.

Trong đó, khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo mức 0,5% từ ngày Luật có hiệu lực và nâng lên 2% vào năm 2030. Cùng với đó là khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá. Toàn bộ nguồn kinh phí dành để chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

{keywords}
Theo các chuyên gia, việc cấm bán rượu, bia trong khung giờ quy định chỉ khiến người dân uống nhiều hơn vào những khung giờ không bị cấm (ảnh minh họa - TT).

Nếu không có Quỹ sức khỏe thì nguồn kinh phí dành cho phòng chống tác hại của rượu bia chủ yếu vẫn từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo mức 0,5 từ ngày Luật này có hiệu lực và 2% vào năm 2030.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, các DN sản xuất kinh doanh rượu, bia đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thuế suất 65% và thuế nhập khẩu 45%. Do đó, yêu cầu phải đóng góp thêm vào Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng là không phù hợp, thêm gánh nặng cho DN. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận xét, việc hợp nhất với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá là không thuyết phục. Bia rượu khác với thuốc lá. Bia rượu chỉ dùng không đúng cách hay bị lạm dụng mới gây tác hại.

Bà Thúy đặt câu hỏi: "Liệu có đánh giá được kết quả thực hiện mục tiêu về sức khỏe khi thực hiện quỹ này không? Tôi đọc cả 3 trang trong Dự thảo Luật nói về Quỹ nâng cao sức khỏe mà không hiểu cơ quan soạn thảo nói gì”.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Quỹ để chung rượu, bia và thuốc lá là không ổn. Tác hại của rượu bia và thuốc lá khác nhau, của rượu, bia cũng khác nhau.  Trong khi đó, thu quỹ dựa trên doanh số bán thì các DN sản xuất bia sẽ phải nộp nhiều nhất, nhưng bia có nếu tác hại, so với rượu và thuốc lá ít hơn. Như vậy là đánh tráo khái niệm.

“Đưa cái độc hại lớn vào nhưng thu nhiều từ cái độc hại ít để có tiền. Rượu, bia sản xuất ra khi tiêu thụ đã phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt rồi. Vì vậy nên sử dụng nguồn từ thuế để giải quyết các tác hại. Với thuế phí, việc quản lý còn chặt chẽ, chứ với quỹ các quy định rất lỏng lẻo, luật sư Đức nói.

Theo ông Trần Quang Chiểu, Dự thảo luật có gần 15 trang, nhưng có tới 3 trang đề cập đến Quỹ sức khỏe, hình như mục đích chính là để lập quỹ? Quỹ nâng cao sức khỏe thu dựa trên doanh số bán ra, chẳng khác gì thuế. Chỉ có điều không gọi là thuế mà thôi. Quy mô nền kinh tế của ta nhỏ, đừng để nguồn lực bị phân tán vì có quá nhiều loại quỹ, ông Chiểu nói.

Hơn nữa, kinh nghiệm từ hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá đến nay cho thấy mô hình này không thành công và không phải là phương pháp hiệu quả nhất để giảm tác hại của thuốc lá.

Đánh giá về dự luật này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay khi đọc dự thảo luật này ông thấy hoang mang. Mục tiêu của Luật là khống chế người uống hay khống chế nhà sản xuất? Các số liệu Bộ Y tế đưa ra làm căn cứ lập luận trong Dự thảo luật rất cũ, đều từ 2010 về trước, số liệu từ 2011 đến nay hầu như không có. Sử dụng nhưng con số này thiếu cơ sở, làm cho đánh giá của cơ quan soạn thảo lệch lạc.

Trần Thủy

Bia ngày càng tăng giá, anh em nhịn miệng giảm nhậu

Bia ngày càng tăng giá, anh em nhịn miệng giảm nhậu

Thuế tăng cao và thay đổi nhanh khiến các DN sản xuất bia phải điều chỉnh kế hoạch liên tục, sản xuất không ổn định, đẩy giá thành tăng và giảm tăng trưởng. Chính sách mới đã gây áp lực lớn lên các DN bia trong 3 năm qua.

Mời Bộ Công an giám sát việc bán vốn bia Sài Gòn

Mời Bộ Công an giám sát việc bán vốn bia Sài Gòn

Để việc bán vốn nhà nước tại Sabeco mang lại hiệu quả cao nhất, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Ủy ban chứng khoán Nhà nước theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu SBA.

Cựu TGĐ Nhà máy bia Huda Huế nhận lương hưu 'khủng' bậc nhất Việt Nam

Cựu TGĐ Nhà máy bia Huda Huế nhận lương hưu 'khủng' bậc nhất Việt Nam

Trong số những người có lương hưu khủng nhất Việt Nam, sau người nhận lương hưu 100 triệu đồng/tháng chắc chắn có ông Nguyễn Minh, cựu TGĐ Nhà máy bia Huda Huế.

Bí mật về quy trình sản xuất chiếc cốc vại bia 'huyền thoại'

Bí mật về quy trình sản xuất chiếc cốc vại bia 'huyền thoại'

Mỗi ngày tại cơ sở sản xuất này lại cho ra lò hàng ngàn chiếc cốc “huyền thoại” phục vụ nhu cầu của dân nhậu trên khắp mọi miền đất nước.

Bia sả, ớt, bia chanh leo củ dền: Hàng lạ 'made in Vietnam'

Bia sả, ớt, bia chanh leo củ dền: Hàng lạ 'made in Vietnam'

Những chai bia có hương vị lạ như sả, ớt, hồi hay màu đỏ của củ dền gây ấn tượng những người yêu bia. Không ít khách nước ngoài lên tận nhà máy để mua được vài chai mang về nước.