19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về "siêu ủy ban" là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng (khoảng 100 tỷ USD). Đây là mô hình chưa từng có với mong muốn tạo ra đột phá trong quản lý - kinh doanh vốn nhà nước hiệu quả hơn.

Thủ tướng: Không để sân trước sân sau, hành chính quan liêu

19 'ông lớn' nhà nước về siêu ủy ban: Hàng loạt sếp quyền lực đi về đâu?

Xây dựng bộ chỉ số quản lý 2,3 triệu tỷ đồng

Tại lễ ra mắt Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần nhắc đến dẫn chứng buồn của một DNNN - Vinashin.

Nhắc lại chuyện Vinashin đủ thấy Thủ tướng muốn gửi gắm đến các lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về việc bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty như thế nào.

19 DNNN ấy đều hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như điện, xăng, dầu, than, lương thực, viễn thông,...

{keywords}
Không cho phép tái diễn cảnh làm ăn thua lỗ của Vinashin.

Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng (khoảng 100 tỷ USD).

Giá trị tài sản của 19 doanh nghiệp ấy so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam là lớn. Nhưng nếu so với các tập đoàn nước ngoài, thì vẫn chưa là gì so với một tập đoàn đa quốc gia. Chẳng hạn, giá trị vốn hóa của Apple lên đến 1.000 tỷ USD; còn Amazon, Google hơn 700 tỷ USD; Tencent, Alibaba đều gần 500 tỷ USD,...

Điều quan trọng là, Ủy ban quản lý vốn phải làm sao để “bảo toàn và phát triển vốn” như những gì Thủ tướng đã chỉ đạo và đặt niềm tin.     

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban, cho hay: Xác định công việc cần triển khai ngay sau khi Ủy ban đi vào hoạt động chính thức là hết sức lớn và nặng nề, Ủy ban đã chủ động đề ra kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2020 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đó là chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp trên cơ cở thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững; Nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vốn nhà nước và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường.

Một việc khác được lãnh đạo Ủy ban nhắc đến là tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay: Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Bộ Chỉ số bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành/lĩnh vực, có xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ hệ thống mạng và phần mềm chuyên biệt phục vụ tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu.

Dự kiến khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ triển khai kết nối để cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên liên tục, phấn đấu cập nhật giám sát đầy đủ tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây cũng chính là điều Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã khuyến nghị từ trước khi Ủy ban thành lập.

Chiếc áo là cơ quan nhà nước, nhưng linh hồn phải là DN

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận việc Chính phủ chủ trương trong giai đoạn đầu chỉ chuyển giao một bộ phận DNNN về cơ quan này quản lý, với khoảng một nửa tổng số vốn nhà nước đang đầu tư tại DN chứng tỏ không trao quyền quá lớn cho ủy ban. Quy mô này phù hợp với năng lực và nguồn lực của ủy ban trong giai đoạn đầu thành lập.

{keywords}
19 DN về siêu ủy ban nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

"Một trong những lý do khiến hiệu quả quản lý vốn nhà nước chưa đạt là do chúng ta đang sử dụng bộ máy quản lý nhà nước để quản lý hoạt động đặc thù là sản xuất kinh doanh. Ủy ban là bộ máy chuyên trách quản lý phần vốn đang phân tán tại nhiều bộ, ngành, địa phương nên tôi tin là có hiệu quả", ông Trung nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN của CIEM cũng cho rằng, với việc ủy ban được giao tập trung khối lượng nguồn lực quan trọng của nền kinh tế thì yêu cầu chính đáng là phải có sự giám sát.

"Việc giám sát với bất cứ cơ quan nào thuộc Chính phủ cũng thực hiện theo quy định pháp luật, đặc biệt là giám sát từ các cơ quan kiểm toán, Quốc hội,... Một công cụ giám sát khác nằm ngay trong dự thảo nghị định, đó là quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin, đặc biệt chế độ công bố thông tin để giám sát" - ông Phạm Đức Trung chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh thừa nhận việc tập trung vốn nhà nước vào một cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giúp dễ dàng tiến hành được các giải pháp, hoạt động cải cách DNNN, xóa bỏ được lợi ích cục bộ. Tuy nhiên, Chính phủ cần phân cấp theo chức năng đối với các cơ quan thực hiện giám sát "siêu ủy ban" nhằm hạn chế rủi ro từ tập trung quyền lực.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: Nếu coi Ủy ban như một cơ quan quản lý nhà nước thì có lẽ không đạt mục tiêu quản lý hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.

“Cái áo có thể là cơ quan nhà nước, nhưng cái hồn của nó phải hoạt động như một DN. Dòng máu chảy trong đó là của DN, tư duy của một DN, linh hồn của nó là hoạt động như một DN”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Ông Cung cho rằng Ủy ban này cần thực hiện chức năng như của nhà đầu tư. Khi giao chỉ tiêu, cũng nên giao những chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao, thậm chí 30-40%, chứ không phải chỉ 1-2%.

Thực tế, tại lễ ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng: Chúng ta ở đây có những Tập đoàn năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước, thậm chí tăng trưởng tới 30%, phải đi theo hướng đó chứ không phải về Ủy ban rồi teo tóp đi.

Hà Duy

19 'ông lớn' nhà nước về siêu ủy ban: Hàng loạt sếp quyền lực đi về đâu?

19 'ông lớn' nhà nước về siêu ủy ban: Hàng loạt sếp quyền lực đi về đâu?

Việc chuyển giao các doanh nghiệp Nhà nước về “siêu ủy ban” phải đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Những tập đoàn, công ty Nhà nước nào sẽ tập trung về ‘siêu ủy ban’?

Những tập đoàn, công ty Nhà nước nào sẽ tập trung về ‘siêu ủy ban’?

Có 21 doanh nghiệp Nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, trong đó có cả SCIC, sẽ được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nguyên Bí thư Cao Bằng làm chủ tịch ủy ban quản lý 5 triệu tỷ

Nguyên Bí thư Cao Bằng làm chủ tịch ủy ban quản lý 5 triệu tỷ

Ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, để xây dựng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.