Chuyên gia “ngoại”, chi phí đắt đỏ gấp chục lần

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi gặp những ràng buộc bất lợi. Đơn cử việc phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí “đắt đỏ”.

Đơn cử, Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh, công tác tư vấn thiết kế, giám sát thi công phải sử dụng nhà thầu quốc tế, chuyên gia tư vấn nước ngoài nên chi phí tăng cao gấp nhiều lần so với sử dụng tư vấn trong nước.

Cụ thể, Gói thầu C, Chi phí tư vấn thiết kế và hỗ trợ đấu thầu tăng từ 6,2 tỷ đồng lên 60,4 tỷ đồng, tương đương 9,7 lần; chi phí tư vấn giám sát tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 66,2 tỷ đồng tương đương 13,5 lần.

Tại gói thầu G, chi phí tư vấn thiết kế cũng tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 12,5 tỷ đồng, tương đương 2,5 lần; chi phí tư vấn giám sát tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 22,4 tỷ đồng tương đương 4,5 lần.

Có dự án bị buộc áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế trên cơ sở chất lượng và chi phí; lựa chọn nhà thầu có trụ sở từ bên cho vay, nhà thầu nước ngoài, quy định chi tiết đề cương và nhân sự tư vấn giám sát trong khi không phải dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại.

{keywords}
Lương chuyên gia "ngoại" rất đắt đỏ trong các dự án ODA. Ảnh minh họa

Ví dụ, Dự án phát triển giao thông đô thị TP. Hải Phòng, mặc dù đã có một số nhà thầu trong nước nộp hồ sơ dự thầu nhưng đều không đủ điều kiện qua sơ tuyển do quá ưu tiên các điều kiện kỹ thuật, kinh nghiệm so với điều kiện về tài chính, giá cả. Kết quả chấm sơ tuyển, điểm đánh giá của các nhà thầu trong nước đều thấp hơn các nhà thầu nước ngoài, Kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị trúng thầu là các nhà thầu nước ngoài với mức lương chuyên gia nước ngoài cao hơn rất nhiều so với lương chuyên gia trong nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tại dự án kể trên, việc sử dụng chuyên gia nước ngoài là không đúng quy định, áp dụng đơn giá tiền lương chuyên gia không phù hợp.

Cụ thể, sử dụng chuyên gia nước ngoài không phù hợp với Quyết định phê duyệt dự án và Quyết định số 131/2007/QĐ-TTg ngày 9/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ (việc thuê chuyên gia nước ngoài phải được phê duyệt trong dự án) và bất hợp lý. Bởi với quy mô, tính chất và yêu cầu kỹ thuật của công trình thì các đơn vị tư vấn trong nước, chuyên gia tư vấn trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tư vấn (thiết kế, giám sát).

Kiểm toán Nhà nước điểm mặt tình trạng giao vốn không sát khả năng thực hiện, dẫn đến nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân nhưng các bộ, ngành, địa phương không báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh.

Trong đó, 5 địa phương tỷ lệ giải ngân 0% kế hoạch vốn giao 460 tỷ đồng (Hải Dương, Bắc Ninh, Long An, Tiền Giang và Bến Tre). Có tới 35 bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% với số vốn được giao 15.818 tỷ đồng, số vốn chưa giải ngân 11.300 tỷ đồng; 156 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, trong đó có 139 dự án được giao 5.909 tỷ đồng nhưng không được giải ngân.

Đường tàu bỏ hoang vẫn lắp máy quay, cảm biến

Tại nhiều địa phương, việc lập và phê duyệt tổng mức đầu tư nhiều dự án chưa chính xác.

Điển hình là Dự án phát triển giao thông đô thi TP. Hải Phòng có tổng mức đầu tư sai gần 222 tỷ đồng; Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương bị sai định mức, đơn giá và khối lượng 284 tỷ đồng.

Còn Dự án Hệ thống thông tin tín hiệu Hà Nội - Vinh tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn II tổng mức đầu tư ban đầu xác định một số chi phí chưa hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư 7,17 triệu Euro và 5,8 tỷ đồng, tương đương 157 tỷ đồng, xác định giá vật tư thiết bị giai đoạn II (năm 2005) bằng cách tính toán, quy đổi giai đoạn I (năm 2001) cộng thêm 8% (2%/năm) chưa đảm bảo cơ sở pháp lý...

Cũng tại dự án này, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề bất hợp lý. Như Ga Đồng Giao, các đường chạy tàu vào mỏ đá Bộ Xây dựng, mỏ đá Bộ GTVT, kho quân sự đã để hoang hóa không sử dụng từ rất lâu vẫn xác định lắp 3 máy quay ghi động cơ, 4 khu đoạn đếm trục, 3 cột dồn, 7 cảm biến đếm trục, cáp các loại tương ứng.

Ga Cầu Giát, đường chạy tàu số 7 không sử dụng đã tháo dỡ, đường đặt cột hiệu D14 từ rất lâu không sử dụng nhưng vẫn thiết kế lắp 3 máy quay ghi (2 máy cho đường số 7 và 1 đường cho cột hiệu D14), các loại cáp tương ứng...

Ngoài ra, hầu hết các bộ, ngành địa phương báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi chậm, thậm chí 12 địa phương không thực hiện báo cáo là Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Nông, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Vay ngàn tỷ vốn ODA, dự án đội vốn, chậm tiến độ

Vay ngàn tỷ vốn ODA, dự án đội vốn, chậm tiến độ

Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại tỉnh Lạng Sơn và Sơn La vay vốn ODA bị đội vốn, chậm tiến độ.

Lương Bằng