Trước thực tế phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang được Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tại Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN (Quyết định số 28), Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN (Quyết định số 05) và Thông tư số 05/2012/TT-BHCN (Thông tư số 05) đã hết cơ sở pháp lý để tồn tại, Báo điện tử Đầu tư - Baodautu đã liên lạc với Bộ Khoa học và Công nghệ để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ được ủy quyền trả lời cũng thừa nhận, khi Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực thi hành thì các quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu cũng hết hiệu lực (khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).
Dẫu vậy, theo vị này, sở dĩ chưa bãi bỏ các Quyết định 28, Quyết định số 05 và Thông tư 05 là bởi quy định về “mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu” đã xuất hiện tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và được giữ nguyên tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP nên trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động ưu đãi thuế.
Đây lại là điều ngạc nhiên nữa, bởi Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các vụ chuyên môn dường như quên rằng, Quyết định số 175 là căn cứ để ra đời Quyết định 28, Quyết định số 05 và Thông tư 05 đã được thay thế bởi Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg vào năm 2014.
Trong khi tới tận năm 2016, Chính phủ mới ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP là nghị định đầu tiên về hoạt động ưu đãi thuế trong sản xuất ô tô trong nước.
Điều này chỉ có thể hiểu là Bộ Khoa học và Công nghệ đã chưa làm tròn trách nhiệm trong góp ý kiến xây dựng chính sách của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp trong thẩm quyền của mình khi để các cơ quan khác ban hành ra những quy định dựa trên các văn bản đã hết hiệu lực pháp lý tới 2 năm.
Như vậy có thể nói, công việc rà soát văn bản hết căn cứ pháp lý hàng năm để thay thế bằng các văn bản mới có căn cứ pháp lý còn hiệu lực tại Bộ Khoa học và Công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.
Cũng theo thừa nhận của lãnh đạo Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, “sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô” không thuộc chức năng quản lý chuyên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao tại các nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ này.
Theo đó, tỷ lệ nội địa hoá là một nội dung của quản lý nhà nước, thuộc thẩm quyền quản lý của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về hướng dẫn phương pháp xác định mà không quản lý trực tiếp về tỷ lệ nội địa hóa.
Mặc dù có mục tiêu hướng dẫn xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và quy định về mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu nhằm để khuyến khích sản xuất trong nước và hỗ trợ trong đầu tư đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, nhưng theo thừa nhận của lãnh đạo Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, trong thực tiễn thời gian qua kể từ khi ban hành các quy định này tới nay, “Bộ Khoa học và Công nghệ cũng không xác nhận cho bất cứ doanh nghiệp sản xuất ô tô nào về tỷ lệ nội địa hóa”.
Cũng vào ngày 28/2/2022, lãnh đạo Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ khi trao đổi với báo chí cũng cho hay, cơ quan này đã hoàn tất lấy ý kiến với dự thảo thông tư bãi bỏ các quy định này.
“Dự thảo cuối cùng trình lãnh đạo bộ dự kiến là bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản nói trên. Hiện lãnh đạo Bộ đang xem xét”, vị này nói.
Như vậy, quả bóng hiện nằm trong chân lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.
(Theo Báo Đầu Tư)
Ô tô 5 năm dẫm chân tại chỗ, công nghiệp mũi nhọn yếu thế
Năm 2021 ô tô sản xuất, lắp ráp đạt 299.800 xe, tăng 9,1% so với năm 2020. Tuy nhiên, so với thời điểm 2016 sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 283.300 xe thì công nghiệp ô tô Việt Nam gần như dẫm chân tại chỗ.