10 năm chờ đợi

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12/2 đánh dấu cả một chặng đường đàm phán trường kỳ, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua được.

10 năm cho một hiệp định với nhiều “khúc cua”, những nhà đàm phán của Việt Nam đã lèo lái để vượt qua, rồi đến đích.

15 năm trước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 tại Hà Nội, lãnh đạo Việt Nam và các nước châu Âu đã thảo luận một lộ trình hợp tác giữa hai bên. Bước đầu tiên là Liên minh châu Âu hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau đó đi đến một hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Khi đó, Việt Nam vẫn chỉ là người chơi mới trong cuộc chơi hội nhập toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu vỏn vẹn 26 tỷ USD.

{keywords}
EVFTA được thông qua: 10 năm chờ đợi, phần thưởng xứng đáng

Tháng 10/2010, Việt Nam và EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. 9 năm trường kỳ đàm phán, xen lẫn là những khác biệt về quan điểm, lập trường, EVFTA có lúc tưởng “không thể vượt qua” được.

Nhưng ngày 30/6/2019, tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết. Nhưng đó là lúc niềm vui chưa trọn, vẫn phải chờ 1 bước là Nghị viện châu Âu thông qua.

Phải đến khi số phiếu được công bố, nhiều người mới thở phào. Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và IPA với 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ, 40 phiếu trống. EVFTA mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng lên tới 18.000 tỷ USD.

Hiệp định này xóa bỏ gần như toàn bộ dòng thuế, lên đến 99%. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã từng được ký kết. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang hoành hành, hiệp định này đã tạo ra làn gió mới tươi mới, xua đi những thông tin u ám do dịch bệnh này gây ra. Với EVFTA, những mặt hàng như da giày, dệt may, thủy sản,... sẽ có thêm thị trường tiêu thụ. Những nông sản đang phải chờ đợi để được xuất sang Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội để thoát cảnh “giải cứu” mỗi lần thị trường Trung Quốc “hắt hơi”.

{keywords}
Lễ ký EVFTA vào ngày 30/6/2019.

Cơ hội do chính chúng ta quyết định

Lạc quan và tin tưởng vào những cơ hội do EVFTA mang lại, nhưng tất cả sẽ chỉ dừng lại ở mức “tiềm năng” nếu như chúng ta không tận dụng được cơ hội ấy. Dù được giảm thuế thì hàng vào EU cũng không dễ dàng gì.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch của EuroCham nhấn mạnh, kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần đảm bảo việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định này mang lại.

Những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao, là cửa ải không dễ vượt qua của nhiều nhà xuất khẩu. EU vẫn được coi là "người bạn hàng khó tính". Chẳng hạn đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU thì cũng rất cần coi trọng về vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng (chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác).

Với phương châm “duy trì một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất thế giới" để bảo vệ con người và động vật, nên trái cây muốn xuất vào EU phải trải qua bài kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong quá trình sinh trưởng hay tạp chất vô tình xâm nhập trong quá trình chế biến.

“Chế tài của EU với các sản phẩm thực phẩm vi phạm các quy định rất nghiêm khắc. Nếu vi phạm liên quan đến rủi ro mất an toàn thực phẩm. Hệ thống cảnh báo nhanh trực tuyến về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có thể được kích hoạt để gửi thông báo đến tất cả các nước thành viên EU. Từ đó, các cơ quan nước thành viên có thể áp dụng các biện pháp phù hợp, mà hình thức cực đoan nhất là đình chỉ nhập khẩu (tất cả hoặc một phần) từ nước vi phạm”, nghiên cứu của Trung tâm WTO lưu ý.

Chẳng hạn, cũng chỉ vì nạn đánh bắt bất hợp pháp mà thủy sản Việt Nam đã bị EU giơ thẻ vàng. Nếu không cải thiện, nguy cơ sẽ bị giơ "thẻ đỏ", tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU.

Tuyến đường cao tốc nối Việt Nam với EU - giống như cách ví von của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đã mở ra. Những chuyến xe đưa hàng Việt đến EU có thực hiện được hay không hoàn toàn do cách chúng ta tiếp cận với hiệp định này.

Phần thưởng luôn dành cho những người kiên trì và nỗ lực làm việc với tinh thần nghiêm túc, giống như cách mà những nhà đàm phán của Việt Nam đã làm được với EVFTA. Ngược lại, sẽ có rất nhiều đáng tiếc.

EVFTA sẽ còn chờ Quốc hội Việt Nam thông qua, dự kiến vào tháng 6 năm nay. Nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu, thì có thể ngay 1/7/2020, EVFTA chính thức đi vào thực thi. Từ giờ tới lúc đó, một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ đợi các cơ quan ban ngành của Việt Nam để thực thi hiệp định, đơn cử như xây dựng các Nghị định về biểu thuế, quy tắc xuất xứ, mua sắm Chính phủ…

Lương Bằng

Chính thức thông 'đường cao tốc' tới EU, đòn bẩy mới, cơ hội mới

Chính thức thông 'đường cao tốc' tới EU, đòn bẩy mới, cơ hội mới

 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng lên tới 18.000 tỉ USD.